Thứ Tư, 20 tháng 5, 2015

1. Thủ đoạn trộm cắp, lừa đảo trong bệnh viện

- Thủ đoạn "Cò mồi"

Nắm bắt được tâm lý của người bệnh muốn khám và chữa bệnh nhanh, nhất là những người ở xa hoặc là những người là công chức bận rộn. Hiện nay, tại cổng các bệnh viện ở những thành phố lớn xuất hiện đội ngũ "cò mồi" chuyên dẫn dắt khách, chúng thường tung tin đã hết thẻ xếp thứ tự khám bệnh, sau đó chủ động "rê" người bệnh đến các điểm khám bệnh tư nhân để "làm tiền" khách. Ngoài việc mất tiền oan người bệnh còn phải gánh chịu những hậu quả vô cùng nguy hiểm như: thuốc kém chất lượng, hết hạn sử dụng, thuốc lậu... thậm chí có trường hợp bị phản ứng mạnh khi dùng thuốc dẫn tới tử vong.

Do vậy, khi đi khám bệnh, người bệnh nên vào các bệnh viện nhà nước, các trung tâm y tế có treo biển và được cấp phép, điều đó sẽ giúp cho người bệnh tránh khỏi những rủi ro, bất lợi và giải toả được tâm lý lo lắng.

Câu chuyện dưới đây là một ví dụ về thủ đoạn lừa của bọn tội phạm:

Cách đây 1 tháng, da tay, da chân chị Hương đột ngột có triệu chứng khó chịu, cô tìm tới bệnh viện da liễu để khám. Khi tới cổng bệnh viện, đang chuẩn bị gửi xe, người lái xe ôm từ đâu chạy tới cho cô biết: "hết thẻ rồi phải ngày mai. Muốn khám nhanh, tôi chỉ tới bác sĩ da liễu cũng của bệnh viện, mất có 10.000đ tiền khám, nhanh và đảm bảo hết bệnh".

Chưa được sự đồng ý của cô, anh ta đã nhiệt tình rút điện thoại di động ra gọi rồi chỉ dẫn cho cô đến một phòng mạch. Tới đây cô được một vị bác sĩ tự giới thiệu tên là Khoa làm ở bệnh viện da liễu. Theo ông thì cô mắc bệnh á sừng và chỉ định cô phải tiêm 1 mũi, uống thuốc 5 ngày, sau đó đến tái khám và lấy thuốc vì bệnh "Phải chữa dài ngày". Tiền khám, tiền thuốc tiêm tại chỗ và tiền toa thuốc hết 180.000đ. Về nhà, sau khi uống xong liều thuốc đầu tiên theo chỉ dẫn được khoảng 20 phút, cô bỗng đau đầu dữ dội, chân tay lạnh toát và buồn nôn. Sau khi nôn thốc nôn tháo, cô tỉnh dần và lập tức nhờ người nhà đưa ngay đến bệnh viện da liễu để khám lại, đồng thời hỏi thăm về bác sĩ Khoa. Nhân viên phòng khám cho biết, bệnh viện không có ai là bác sĩ Khoa cả. Bất bình cô đưa toa thuốc cho các cô y tá xem có đóng dấu đỏ rõ mồn một "Bác sĩ Khoa" cho mọi người xem. Cả phòng khám chuyền tay nhau đọc nhưng tất cả đều không đọc hết được tên các loại thuốc loằng ngoằng trong toa thuốc. Đến đây cô Hương đã biết mình "sập bẫy cò".                                         
             
- Thủ đoạn “Đóng  vai là người  đi thăm bệnh nhân”

Chúng thường đóng vai là người nhà bệnh nhân, với gói quà trong tay chúng đi hết từ phòng này sang phòng khác để "tìm người nhà". Nhưng thực ra là đi để dò la, quan sát nếu bệnh nhân hay người nhà của họ sơ hở là nhanh chóng chôm chỉa tài sản của họ.

- Thủ đoạn “Đóng vai là người đi trông nom bệnh nhân”

Với dáng vẻ mệt mỏi, rất ra dáng một người phải thức nhiều đêm trông nom bệnh nhân, rồi chọn những buổi tối, khi người nhà bệnh nhân phải túc trực trông nom người bệnh thì chúng bắt đầu hành động. Chúng tìm cách làm quen với  những người "cùng cảnh ngộ". Qua cách nói chuyện khéo léo, chúng thường mời họ ăn uống những thức ăn đã được tẩm sẵn thuốc mê (thường chỉ là chiếc kẹo cao su, điếu thuốc, quả quýt). Thường thì trong đêm mỏi mệt, nhiều người rất dễ mắc lừa.

Hoặc, qua trao đổi chúng gạ bán lại cho đối tượng đang cần mua một loại biệt dược đắt tiền nào đó với giá rất hời, nhưng thực ra là thuốc giả hoặc thuốc không đúng chủng loại...

- Thủ đoạn “Đóng vai là nhân viên bệnh viện”
Với bộ y phục của nhân viên bệnh viện, chúng ra vào trong phòng chữa bệnh để mọi người tưởng là nhân viên bệnh viện, nhất là những người ở vùng sâu, vùng xa ít có điều kiện giao tiếp rất dễ bị mắc lừa. Qua tìm hiểu chúng biết rằng người bệnh và người nhà đang cần sự giúp đỡ để yên tâm chữa bệnh. Nắm thời cơ, chúng đến để gạ gẫm, làm cho mọi người rất tin tưởng là qua chúng có thể tiếp xúc với những Bác sỹ giỏi, chữa được căn bệnh của bệnh nhân đang mắc một cách nhanh chóng, với điều kiện phải góp một khoản tiền "tiêu cực phí" nào đó mới có thể giải quyết được. Như chết đuối gặp cọc, người bệnh hoặc người nhà rất dễ tin, thường giao tiền "bồi dưỡng cho bác sỹ" cho chúng. Hoặc, chúng nhân cơ hội để bán thuốc giả. Đối tượng hay bị chúng lừa là những người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc kém hiểu biết.

2. Thủ đoạn trộm cắp, cướp giật tại các cửa hiệu mua bán vàng bạc

Qua tìm hiểu thực tế, trao đổi với các nhà chức trách và số đối tượng chuyên hoạt động trên lĩnh vực này đang nằm “bóc lịch” chờ ngày hoàn lương, xin nêu một số thủ đoạn của bọn tội phạm trộm cắp, lừa đảo tại các cửa hiệu  mua bán vàng bạc, đá quí, thu đổi ngoại tệ ... như sau:

- Thủ đoạn “Bán hàng”

Bọn chúng thường đóng vai là khách đến bán hàng. Lợi dụng lúc cửa hàng đông khách (thường là trong số đó có rất nhiều tên là đồng bọn của bọn chúng) thì chúng đến bán hàng, với vẻ mặt thiểu não thể hiện việc bán đồ là rất bất đắc dĩ. Khi việc mua bán đã thoả thuận xong (bao gồm cả việc chủ tiệm hàng kiểm tra chất lượng), lợi dụng lúc chủ tiệm hàng đang đếm tiền trả, chúng thường mượn lại vật đã bán rồi để ngắm nghía ra điều nuối tiếc (hoặc chỉ cho chủ hàng những khuyết tật, hay ưu điểm của vật đó) rồi nhanh chóng tráo ngay vật khác giống như hệt đã dấu sẵn trong tay áo để trả lại cho chủ tiệm hàng (nếu chủ hàng cảnh giác thì chúng không bán nữa). Vì chủ quan nên ít mấy ai kiểm tra lại lần nữa, như vậy là họ đã mua phải hàng giả mà không biết.

Hoặc, qua tìm hiểu chúng biết cửa hiệu bán vàng nào đó chuyên bán các loại đồ trang sức của một nơi  sản xuất có uy tín. Từ đó, chúng về gia công loại hàng giả cũng có nhãn mác và trọng lượng như thật. Chúng cũng đến mua một vài lần để lấy những biên lai mua bán. sau khi mua xong chừng vài ngày, vài giờ chúng đem "trả lại" với nhiều lý do ... Vì chủ quan, chỉ nhìn bề ngoài, lại rất tin nhãn mác đã đóng chìm vào mặt hàng nên chủ nhân rất dễ bị mắc lừa, nhận lại hàng giả.

- Thủ đoạn “Mua hàng”

Bọn chúng thường đóng vai là các nữ khách hàng ăn mặc rất sang trọng đến mua hàng lúc cửa hàng đông khách. Chúng dấu sẵn một chiếc vòng (lắc vàng, vòng ngọc) trong tay áo và chọn chiếc  trong quầy như hệt chiếc đã thủ sẵn rồi hỏi mua. Sau khi trả giá và đeo thử, chúng sẽ tỏ ý chê bai, hoặc tạo lý do cho chủ hàng không bán nữa, đòi trả lại. Chỉ có điều là chiếc vòng thật ở tay phải đã được chúng nhanh chóng kéo lên cao rồi lấy áo che kín (hoặc đã đưa cho đồng bọn tẩu tán), còn chiếc vòng giả sẽ được tháo trả lại một cách rất tự nhiên. Chủ hàng vì vội, vì đông khách, vì vẫn còn bực mình đã thiếu cảnh giác nên bị lừa lấy mất tài sản.

- Thủ đoạn “Tráo tiền cũ vào tiền mới”

Bọn chúng thường đóng vai như là những thương gia lớn rồi chọn thời cơ lúc tiệm hàng đông khách  thì  đến mua hàng, hoặc bán đổi ngoại tệ...Khi đã thoả thuận xong, chúng thường trả loại tiền có mệnh giá lớn kẹp thành tập (thường là tiền 500.000đ trông như còn nguyên sêri). Trong những xấp tiền đó bọn chúng đã đổi một số tờ 500.000đ bằng loại tờ khác có giá trị nhỏ hơn (Có thể là loại 20.000đ). Khi chủ hàng đếm lại, phát hiện, thông báo lại thì chúng thanh minh và bịa ra mọi lý do nào đó để khẳng định là do chủ hàng nhầm lẫn và có ý đổi của bọn chúng, chứ nhất định chúng không có một loại tiền nào khác- Bằng chứng là trong túi của chúng còn một vài xấp tiền nữa cũng như vậy. Lúc đó một số khách khác (đồng bọn của chúng) lên tiếng phản đối chủ hàng không giữ chữ tín, làm xấu mặt khách mua. Chủ hàng mặc dù biết mình không đổi tiền vào, nhưng biết thanh minh cùng ai! đành trả tiền cho xong chuyện.

- Thủ đoạn “Đếm lại tiền”

Bọn chúng thường đóng giả làm những khách hàng rất sang trọng đến mua hàng, và hay hoạt động vào mùa đông, vì mùa đông quần áo mặc rộng thùng thình dễ tạo điều kiện cho chúng hoạt động. Chúng thường lợi dụng cửa hàng đông khách để mua hàng. Khi trả tiền, chúng trả bằng những đồng tiền rất mới nhưng không bao giờ trả đủ số tiền theo giá hàng mà nhất định trong tập đó sẽ thiếu một vài tờ. Khi chủ hàng đếm lại sẽ phát hiện thiếu vài ba tờ gì đó yêu cầu chúng đếm lại thì chúng vui vẻ  đếm lại. Lợi dụng lúc chủ hàng tiếp tục bán hàng cho người khác (thường là đồng bọn của chúng), vừa đếm lại số tiền chúng vừa nhanh chóng giấu nhiều tờ bạc vào tay áo hoặc vạt áo. Sau khi cẩn thận "đếm lại" xong, chúng vui vẻ xin lỗi chủ hàng rút thêm mấy tờ bạc nữa bù lại chỗ thiếu. Vì chủ quan, vì vội nên chủ hàng ít khi đếm lại nữa, như vậy là mất của mà vẫn không hay.

- Thủ đoạn “Kẹp tiền để rút lõi tiền”

Loại tiền 500.000đ khi sử dụng, người mua kẻ bán thường cặp 2 tờ vào nhau tạo thành 1000.000đ. Nhiều cặp như vậy sẽ thành hai, ba triệu, bốn triệu đồng...

Khi thanh toán với nhau từ bốn năm trăm trở lên, người ta chỉ chú ý đến phía gáy và chấp nhận có bao nhiêu gáy (cặp đôi) là tương đương bấy nhiêu trăm ngàn đồng (5 gáy = 500.000đ, 10 gáy = 1.000.000đ). Với số lượng tiền lớn, nhất là lúc đông khách hàng thì người nhận tiền thường chỉ đếm nhanh phía gáy mà ít chú ý đến ruột bên trong và yên tâm là mình đã nhận đủ số tiền như đã đếm.

Lợi dụng thói quen này bọn lừa đảo đã sử dụng một thủ thuật gấp tiền đánh lừa cảm giác của mọi người, sao cho số cặp (gáy) đủ mà thực tế số tiền lại bị rút ruột để từ năm bảy trăm ngàn có thể rút bớt từ 50.000 đ hoặc nhiều hơn mà người nhận tiền không biết.

Thủ đoạn tiến hành của bọn chúng như sau:

+ Dùng 1 tờ 50.000đ gấp 3 ngang tạo thành chữ M

+ Lồng 2 tờ 50.000đ vào khe (1) và (2) của chữ M

Kẹp chặt lại là đã có 2 cặp (nếu đếm nghiêng theo gáy là đã có 2 cặp = 200.000đ (thực ra chỉ có 3 tờ 50.000đ). Như vậy kẻ gian đã rút được 50.000đ

Thông thường sau một thời gian các chủ cửa hiệu mới phát hiện ra mất tài sản, hay do số tài sản không nhiều lại không biết rõ đích xác mình bị mất trong hoàn cảnh nào,  cho nên họ ngại trình báo cơ quan Công an. Chính vì thế mà bọn tội phạm vẫn tiếp tục hoạt động trên khắp các địa bàn toàn quốc. Vậy, mọi người khi mua bán hàng, nên dùng máy đếm tiền để hạn chế hoạt động của bọn tội phạm. Và, nếu có hiện tượng khả nghi như trên, hoặc nghi ngờ mình bị mất tài sản, hãy báo ngay cơ quan Công an để tìm cách đấu tranh ngăn chặn những hành vi phạm tội mới của bọn tội phạm.

- Thủ đoạn “Tấn công trực diện”

Bọn chúng cũng thường đóng vai là khách mua hàng, lợi dụng lúc cửa hiệu vắng khách, ngoài đường thưa người (buổi trưa, chập choạng tối, trời mưa...) chúng mới xuất hiện để giả mua hàng. Lợi dụng sơ hở của chủ nhà, chúng tung vôi bột (hay tiêu bắc tán nhỏ, ớt bột) vào mắt chủ nhà rồi nhanh chóng cướp đồ chạy ra xe đợi sẵn để tẩu thoát.

Cũng rất nhiều vụ án chúng đã ra tay sát hại nạn nhân để cướp tài sản

- Thủ đoạn “Gọi điện thoại”

Qua theo dõi cửa hiệu mua bán vàng bạc chúng sẽ tìm ra những địa chỉ quen của chủ cửa hiệu đó (thường cũng là những cửa hiệu bán đồ quanh đó, có số điện thoại, tên chủ nhà...). Sau đó chúng giả giọng gọi điện thoại cho chủ cửa hiệu bán vàng bạc đó để đặt mua hàng. Thường thì chúng bịa ra lý do nào đó để chủ cửa hiệu tin là mình bận không đến lấy được, có nhờ người nhà đến lấy giúp. Sau khi chủ nhà tin, giao tài sản cho chúng, chúng cũng trao tiền giả, khi chủ cửa hiệu đang đếm tiền thì nhanh chóng cầm số hàng tẩu thoát.

3. Thủ đoạn trộm cắp, lừa đảo tại đền, chùa

- Thủ đoạn “Trộm cắp dây chuyền, khuyên tai vàng”

Đền, chùa đối với đông đảo người dân Việt Nam chúng ta là nơi thờ tự thâm nghiêm, vào những dịp đầu năm, ngày rằm, mùng một, lễ hội thường có nhiều người đi thờ cúng, cầu may, giải hạn. Thành phần đi đền, chùa cũng rất đa dạng, song phần lớn là những phụ nữ trung niên hoặc những cụ già đã có tuổi. Những người này thường đeo vòng vàng, dây chuyền hoặc các loại khuyên tai. Khi làm lễ cúng bái, họ thường thành kính cầu khấn hết sức tập trung. Mặt khác, ở những đền, chùa nổi tiếng vào những dịp lễ hội thường đông người thường có tình trạng chen lấn xô đẩy. Lợi dụng tình huống đó các đối tượng trộm cắp đi theo nhóm có điều kiện tiếp cận "con mồi" với vai của những người đi cúng, khấn cầu may. Khi phát hiện ra con mồi chúng bủa vây. Một tên trong số đó (thường là nữ giới tay cầm kìm bấm loại nhỏ) chờ người đeo dây chuyền, vòng trang sức cúi xuống khấn là chúng bấm đứt dây, tên khác cùng bọn giả vờ cúng khấn bên cạnh bị hại cúi sát đất và vơ luôn "chiến lợi phẩm" rồi cả bọn rút êm trong khi bị hại vẫn say sưa với việc lễ cúng mà không hề hay biết.

Để ngăn chặn loại tội phạm trộm cắp dưới hình thức này, đề nghị mỗi người chúng ta không nên đeo các loại vòng, dây chuyền vàng hoặc đồ trang sức mà để ngoài cổ áo. Không nên cầm theo vào những nơi đông người, vì như vậy ta không thể kiểm soát được dễ bị bọn tội phạm lợi dụng chiếm đoạt.

- Thủ đoạn “Giả làm khách lễ chùa”

Bọn chúng thường đi nhiều tên, đóng giả làm những người đi lễ chùa và thường xuất hiện ở những đền, chùa tập trung đông người tế lễ. Đối tượng mà chúng nhằm tấn công chủ yếu là các bà, các chị hay mang theo túi, xắc bên mình (nhất là những người đi đơn lẻ một mình). Lợi dụng đối tượng đang mải chắp tay khấn, cầu nguyện, chúng tìm cách đánh lạc hướng như: tự hạ lễ của đối tượng, hay bê lễ bỏ đi nơi khác, hoặc lấy đi một vài thứ trong mâm lễ...(cũng có khi chúng đạp tụt giầy của đối tượng hay châm hương làm cháy áo đối tượng) Khi đối tượng bị thu hút bởi phía trước thì phía sau đồng bọn chúng áp sát để rạch túi mà đối tượng mang theo (hoặc móc túi quần, áo). Để chống lại sự phát hiện của những người xung quanh, chúng thường tập trung dăm bảy tên giả như đang lễ để quây xung quanh đối tượng vừa ra vẻ can ngăn, vừa ra vẻ thông cảm với đối tượng, nhưng thực ra là nhằm  che chắn cho tên hành động phạm tội, còn khi bị phát hiện thì chính những tên này cản trở giúp cho đồng bọn tẩu thoát.

- Thủ đoạn “Lấy tiền công đức”

Chúng đóng giả làm những người đi lễ chùa để theo dõi quy luật hoạt động của những người có trách nhiệm trong ngôi chùa đó. Lợi dụng lúc đông người, chúng làm một loạt các hành động: thu gom hương, nhang, giấy tiền, hoa... vung vãi để thể hiện với khách thập phương mình là nhân viên nhà chùa. Rồi lợi dụng sơ hở của người có trách nhiệm, chúng sẽ vơ tiền công đức của khách thập phương cho vào túi của mình.

- Thủ đoạn của bọn trộm giầy, trộm dép

Một số đền chùa thường quy định khách đến lễ chùa phải để giầy dép ở ngoài trước khi vào lễ. Bọn gian đã lợi dụng vấn đề này để ra tay.

Để củng cố lòng tin của khách, chúng đưa một số tên "mắt la mày lém" luẩn quẩn quanh chùa, rồi một tên trông ra dáng tử tế đóng giả làm những nhân viên nhà chùa nhắc nhở khách để giầy dép ở ngoài, đồng thời  quát tháo đuổi bọn kia đi. Với thủ đoạn như vậy, nên mọi người rất dễ mắc lừa tưởng như đã có người trông giầy, dép cho mình bên ngoài, nên không để ý đến chuyện trông giầy dép nữa. Lúc đó, bọn chúng chỉ việc chọn những chiếc giầy dép đắt tiền mà "cuỗm".

Ngoài ra, khách đi lễ chùa cũng hay bị mất giầy dép tốt bởi những người lễ chùa xấu tính, những kẻ giả đi lễ cố tình xỏ nhầm giầy, dép.

- Thủ đoạn “Đổi thiếu tiền lẻ”

Thông thường, khách đến lễ chùa thường muốn đổi tiền chẵn ra tiền lẻ; đáp ứng nhu cầu này, dịch vụ đổi tiền lẻ ở các đền chùa đông khách rất phát triển. Người ta đổi mười ăn chín hoặc mười ăn tám. Khi đưa tiền chẵn ra đổi để lấy tiền lẻ về không mấy ai đếm lại cả, mà cứ như vậy đi đặt ở các ban nơi mình lễ. Bọn người xấu đã nắm bắt tâm lý này nên họ chỉ kẹp  không đủ số tiền lẻ, khách đổi tiền bị thiệt mà không biết.
Thực ra, số tiền mà họ cố tình đếm thiếu của mỗi người không nhiều, nhưng nếu áp dụng với nhiều người thì ắt là số tiền chiếm đoạt không phải là nhỏ.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Subscribe to RSS Feed Follow me on Twitter!