Sinh viên năm nhất vừa mới xa nhà, xa bố mẹ để hòa nhập vào một môi trường mới nên còn nhiều lạ lẫm. Chính vị vậy, đây là đối tượng mà bọn lừa đảo thường nhắm vào.
Nếu biết trước để cẩn thận đề phòng, ta có thể tránh được những mất mát, rủi ro đáng tiếc:
1. Bán hàng đa cấp
Bản chất việc kinh doanh đa cấp là hợp pháp, nhưng nhiều công ty kinh doanh theo mô hình đa cấp ở Việt Nam đã biến tướng thành bất hợp pháp. Cách thức hoạt động có tính chất lôi kéo, ép buộc. Không có bán hàng mà chỉ mời người tham gia vào mạng lưới để thu tiền từ người tham gia.
Khi tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp, bạn sẽ được người quen hoặc người lạ tiếp cận và thuyết phục. Họ sẽ nói với bạn nhiều thứ, vẽ ra một viễn cảnh tươi đẹp, những lượng tiền khổng lồ có thể đạt được khi tham gia làm việc. Nếu không tỉnh táo bạn sẽ rất dễ bị lôi kéo.
2. Tuyển nhân viên qua các tờ rơi, áp phích
Bạn sẽ thấy nhan nhản trên tường, cột điện những tờ rơi với nội dung đại khái như: Tuyển nhân viên phát quà cho nhãn hãng XYZ với lương 190.000 đồng một ca 2 tiếng, có thể chọn ca (ưu tiên sinh viên năm nhất)..., và rất nhiều ưu đãi khác.
Khi tìm đến xin việc, bạn sẽ được yêu cầu nộp một khoản tiền đặt cọc, bản sao chứng minh thư, thẻ sinh viên… để được làm việc.
Nhiều nơi đăng những mẩu tuyển dụng này là lừa đảo. Bạn có nguy cơ mất trắng tiền đặt cọc.
Ngoài ra, bạn cũng có thể gặp trường hợp tương tự với các trung tâm gia sư, trung tâm giới thiệu việc làm không uy tín.
3. Mua tăm
Tại các nơi đông người như cổng trường, cổng bệnh viện, bến xe, công viên hoặc trên đường, bạn đột nhiên được một người (trẻ em, người trẻ, người già) dúi vào tay một gói tăm và hỏi tên để ghi vào một quyển sổ. Ghi xong họ đưa sổ cho bạn ký tên đồng thời nói đó là tăm do người mù làm để xin tiền ủng hộ.
Nhiều người lợi dụng vào lòng tốt của sinh viên để trục lợi. Ảnh: Phương Sơn
Bạn cảm thấy hơi nghi ngờ nhưng vẫn mua để ủng hộ. Chưa hết, nếu bạn đưa ra một số tiền nhỏ (2.000 đồng chẳng hạn), người đó sẽ đưa quyển sổ lúc nãy cho bạn, trong đó có danh sách những người đã ủng hộ với số tiền lớn hơn (10.000, 20.000…) để “vòi” thêm (danh sách này họ đã “vẽ” ra từ trước).
Họ đã đánh vào lòng tốt của bạn để kiếm lợi. Trong trường hợp này, bạn hãy nói mình không có tiền.
4. Nhờ chuyển hộ đồ
Cũng tại nơi công cộng, bạn gặp một người đàn ông nhờ chuyển hộ một món đồ đến nơi nào đó rồi trả ít tiền công. Ông ta cũng nói món đồ có giá trị vài triệu nên cần tiền hay vật gì đó đặt cọc.
Nếu đồng ý đưa tiền vậy là bạn đã sập bẫy, món đồ mà ông ta đưa cho bạn là đồ giả hoặc vô giá trị.
3. Gạ bán đồ vật
Giống trường hợp trên, bạn bị gạ mua một món đồ (máy ảnh, điện thoại, đồng hồ…) với giá rẻ vì người đó cần tiền gấp hoặc vì là đồ ăn cắp, nhặt được... nên bán rẻ. Trong trường hợp này, bạn hãy từ chối ngay từ đầu.
Đồ đó có thể đã hỏng, hoặc tệ hơn, nếu bạn sờ vào nhưng không mua sẽ bị đổ tội làm hỏng nó.
4. Móc túi tại nơi đông người
Ở bến xe, siêu thị… hay bất cứ chỗ nào đông người, khi chen nhau bạn có thể bị móc, giật, cướp nhưng không làm gì được vì đám cướp đồ thường có đồng bọn.
Tuyệt đối không để tiền hoặc đồ có giá trị ở túi quần, túi áo. Thậm chí có trường hợp để laptop ở balô sau lưng mà vẫn mất.
Hãy cảnh giác và chọn vị trí an toàn nhất để giữ đồ cho mình.
Vài chia sẻ để giúp các bạn cảnh giác, góp phần đẩy lùi cái xấu khỏi xã hội.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét