Thứ Năm, 3 tháng 9, 2015

Ngày 14/6, chị Kim Nga (SN 1988, ngụ quận Thủ Đức, TP. HCM) đã chia sẻ việc cô gái tên T.Đ (SN 1992, ngụ Bình Dương) lừa tiền gia đình chị suốt 2 năm qua. Trong bài viết này, chị Nga đề cập đến việc rất nhiều người khác cũng là nạn nhân của Đ., với hàng loạt thủ đoạn và cách thức gần giống nhau.

Theo những gì trên facebook chị Nga chia sẻ, vào khoảng 2 năm trước, em trai của chị là Mạnh Hòa (SN 1991) góp vốn với cô gái xinh đẹp T.Đ để lấy Iphone từ nước ngoài về bán. T.Đ yêu cầu Hòa đưa 60 triệu để đặt mua Iphone. Nhưng sau một tháng, T.Đ cho biết nguồn hàng bị kẹt lại nên không thể đem về nước bán. Gia đình chị Nga tin tưởng nên tiếp tục chờ đợi. Ít lâu sau đó, T.Đ lại gọi điện cho chị cả của Nga là chị Diệu Hiền (SN 1985) để nói rằng có người bác bên Mỹ sắp về nên bảo chị Hiền gửi tiền để mua Ipad, mỹ phẩm... kinh doanh online. Vì gia đình chị Nga đều biết nhà của T.Đ nên không nghĩ cô gái này dám lừa mọi người trong nhà mình, chị của Nga chuyển khoản cho T.Đ 36 triệu đồng.

Nhận được tiền, cô gái này liên tục khất hẹn, nêu lý do hàng chưa về được và chỉ trả lại 10 triệu cho gia đình chị Nga vào ngày 2/7/2013. Mẹ của T.Đ là bà M.L. hứa sẽ trả dần số tiền con gái còn nợ nhưng đến nay vẫn chưa trả hết.

Trong khoảng 2 năm đó, chị Nga nhận thấy trên facebook bắt đầu chia sẻ những câu chuyện về hành vi lừa đảo của T.Đ, nhiều người cho biết mình đã là nạn nhân của cô hot girl xinh đẹp này nhưng có người ngậm ngùi bỏ qua vì chỉ mất số tiền vài trăm, nhưng cũng có người mất hàng chục triệu, dù cố gắng thúc giục đến mấy, cô gái T.Đ vẫn cố "ngâm"số tiền nợ rất lâu.


Facebook này đã đăng hàng loạt bài viết của các nạn nhân khác đã bị cô gái T.Đ lừa tiền.

Chúng tôi đã liên hệ với nhiều nạn nhân thì được biết cách thức thường thấy của T.Đ đó là sau khi đăng những hình ảnh túi xách, giày dép hàng hiệu lên facebook, có khách đặt mua, T.Đ sẽ bảo đem đến gửi tiền mặt trực tiếp, hoặc chuyển vào một số tài khoản nào đó không phải do cô đứng tên và hứa sẽ trả hàng trong thời gian sớm nhất. Nhưng đến 2, 3 tháng sau, cô gái này vẫn liên lạc với các nạn nhân và kêu than rằng hàng hóa lại bị... kẹt, không thể về được.

Mọi người bắt đầu sốt ruột, một vài người nghi ngờ mình bị lừa nên đã đăng bài viết cảnh cáo lên facebook cá nhân, ngay lập tức T.Đ xoay xở đủ số tiền nợ để trả cho người này và đề nghị gỡ bài viết xuống để cô... tiếp tục bán hàng.

Qua một số tin nhắn các nạn nhân cung cấp, vào năm 2013, T.Đ có nhắn với một khách hàng: "Em đi Đà Lạt điều trị ung thư máu, chị biết không? Chị chỉ thấy hình nhưng thực chất không biết em làm gì. Em bị bệnh, và em phải đặc trị. Đừng nhìn cuộc sống qua facebook mà phán xét em. Em muốn trả chị nên rất đàng hoàng nhưng gia đình chị đối xử với em tệ quá".

Sáng 18/6, chúng tôi đã gặp chị Nga và anh V.M.H. - nạn nhân của T.Đ từ tháng 2/2015. Về phần chị Nga, chị cung cấp những biên bản hòa giải cũng như đơn khởi kiện cô gái T.Đ. đã được ký tên tại UBND phường An Bình.


Đây là biên bản làm việc về số tiền mà T.Đ yêu cầu Mạnh Hòa (em trai chị Nga) góp vốn để mua Iphone làm ăn nhưng rồi không trả, cũng không mua được hàng.
Chị Nga cho biết, gia đình chỉ trả số tiền 10 triệu đợt đầu, những đợt sau theo thỏa thuận, họ phải trả 4 triệu nhưng họ chỉ trả 2 triệu nên gia đình không lấy. 

Còn về phần anh V.M.H, anh cho biết: "Tôi bị lừa mất trắng số tiền từ vài tháng nay, nhưng cũng không có bằng chứng gì để tố cáo vì tôi chỉ giao tiền mặt hoặc nếu chuyển khoản thì T.Đ cung cấp số tài khoản của người khác. Tôi không muốn lên tiếng nhưng thời gian gần đây thấy nhiều người cũng bị như mình, tôi hiểu rằng đây là việc nghiêm trọng, nếu không dừng lại, sẽ còn nhiều nạn nhân khác nữa".

Theo anh H., khoảng thời gian trước Tết, anh có đặt mua một chiếc đồng hồ giá 11 triệu đồng và đã đến một căn nhà ở đường Trần Phú, Quận 5 để giao 8 triệu tiền cọc cho T.Đ. Vài ngày sau, T.Đ liên tục nhắn tin nói cần tiền gấp và hỏi mượn anh H. Do anh H. cũng đã từng đi cafe với T.Đ nên tin tưởng và cho mượn tiền, lúc 1 triệu, lúc 2 triệu.

"Tôi thấy mình xem như đã chuyển đủ 11 triệu tiền đồng hồ nên cũng không nghĩ gì, chỉ việc đợi hàng về thôi. Nhưng một tháng sau, T.Đ nói rằng hàng đang bị kẹt ở Mỹ, chưa về được. Tôi đã sinh nghi nhưng không nghĩ cô gái này dám lừa mình. Hàng chưa về, một thời gian sau, T.Đ lại gọi cho tôi với giọng sốt sắng, bảo tôi rằng sắp có một chú xe ôm đưa 4 triệu cho tôi, nhờ tôi chuyển khoản giùm T.Đ. Nhưng đợi mãi không thấy ông xe ôm ấy đâu, T.Đ thì cứ giục nên tôi tự lấy tiền túi mình ra chuyển cho cô ấy 4 triệu. 3 tiếng sau, bác xe ôm đến và đưa tôi... 2 triệu", anh H. kể về những lần mất tiền của mình.

Trước đó, khi liên lạc với T.Đ qua điện thoại vào tối ngày 17/6, cô gái trẻ khẳng định mình không lừa đảo mà chỉ đang trả dần tiền cho từng khách hàng. "Những ngày qua, mình rất khủng hoảng, chỉ muốn chết thôi, mọi người tạo áp lực lên mình rất nhiều, một số người còn gọi điện thoại đe dọa.  Bạn nghĩ đi, mình đặt hàng, cũng phải trả tiền hàng, mà hàng thì kẹt lại, tiền nợ khách mình và gia đình phải tự xoay xở để trả cho từng người. Nếu mình là người lừa đảo, mình đóng facebook và trốn luôn rồi, chứ đâu có tìm cách trả tiền cho từng người như vậy", T.Đ cho biết.

Cũng theo cô gái này, cô và mẹ đã lên phường làm việc. "Họ hẹn đóng dấu và chú công an ký tên xác nhận là gia đình mình không lừa đảo. Nếu bạn muốn, có thể đến gặp chú công an đó với mình".

Chiều 18/6, chúng tôi tìm đến nhà của T.Đ (khu phố Bình Đường 1, phường An Bình, thị xã Dĩ An, Bình Dương), tiếp xúc với chúng tôi ngoài cổng, bà Nguyễn Thị M.L. (mẹ T.Đ.) cho biết: "Họ vu cáo và lăng mạ con tôi trên Facebook, không cho con tôi làm ăn gì được. Về việc có người tố con tôi lừa đảo đó, gia đình đã đem vụ việc giao hết cho công an phường xử lý. Theo như biên bản hòa giải, hàng tháng gia đình tôi đều lên phường để trả lại số tiền còn thiếu nhưng bên đó không đến nhận".

Bà L. còn cho hay, sáng ngày 18/6 bà đã lên làm việc với Công an phường An Bình về vụ việc này. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi vào chiều cùng ngày, đại diện Công an phường cho biết từ trước đến nay không hề biết và chưa từng tiếp nhận vụ việc của gia đình bà L.

Còn biên bản hòa giải của bên bà L. và bên chị Nga vào ngày 2/8/2013 có sự góp mặt của đại diện UBND phường An Bình. Trao đổi với chúng tôi về vụ việc này, ông Nguyễn Ngọc Ẩn - Chủ tịch UBND phường An Bình khẳng định: "Phường đã từng đứng ra hòa giải cho các bên tranh chấp vào thời gian trên. Trong bản hòa giải bên bà L. cũng đã đồng ý trao trả lại số tiền còn nợ. Trách nhiệm của phường vào năm 2013 là đứng ra hòa giải cho 2 bên dễ thỏa thuận với nhau hơn, nhưng theo quy định mới từ 2014 thì phường không có chức năng hòa giải nữa mà chuyển xuống cấp khu phố".

Như vậy có thể thấy, ngoài gia đình chị Nga có đầy đủ chứng cứ cũng như biên bản hòa giải từ UBND phường, thì các nạn nhân khác hầu như không có bằng chứng nào ngoài những tin nhắn trao đổi qua lại giữa T.Đ và họ.

"Chúng tôi đã nghĩ đến việc mỗi cá nhân bị lừa tiền sẽ viết đơn khởi kiện, tố cáo và gửi cùng lúc đến các cơ quan chức năng. Dù không có bằng chứng nhưng chúng tôi là những nhân chứng sống ở đây, không hề nói sai nửa lời. Hy vọng sau khi gửi đơn kiện hàng loạt, công an điều tra sẽ vào cuộc để làm rõ vụ việc này"
, một nạn nhân cho biết.

Có thể thấy, nếu hành vi của cô gái T.Đ đúng như những lời tố cáo của các nạn nhân thì đây có thể xem là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, do chứng cứ của những nạn nhân liên quan đến các giao dịch này chưa được rõ ràng, không có bằng chứng cụ thể để kết luận cho hành vi lừa đảo của T.Đ
Chính vì thế, với một loạt các nạn nhân bị lừa như thế này, thiết nghĩ, các nạn nhân nên cùng làm đơn tố cáo hành vi của đối tượng trên lên cơ quan công an. Có thể với số lượng nạn nhân nhiều như vậy, cơ quan công an sẽ xem xét và tiến hành điều tra vụ việc.
Luật sư Nguyễn Thạch Thảo - Đoàn Luật sư TP.HCM
                                                                                             Theo
 Quỳnh Trân - Tứ Quý / Trí Thức Trẻ

Học bổng là thứ mà mọi du học sinh đều mong muốn giành được trước ngưỡng cửa du học. Tuy vậy, không phải học bổng nào cũng tốt đẹp như những gì bạn được nghe nói.

Tìm kiếm học bổng có lẽ là cụm từ mà ta hay được nghe tới nhất khi nói tới du học. Học bổng là một phương án hữu hiệu và phổ biến nhất để tiết kiệm chi phí cho những chuyến đi du học đắt đỏ. Nếu có học lực giỏi, khả năng PR bản thân tốt và là một “thợ săn” học bổng lành nghề, bạn hoàn toàn có thể tìm được cho mình những cơ hội học bổng lớn lên tới 50 - 75%, thậm chí cả 100%. 
Hàng năm nhiều tổ chức quốc tế, các trường đại học, các tổ chức từ thiện và các cơ quan tài trợ khác cung cấp các nguồn hỗ trợ tài chính cho những sinh viên, học sinh xuất sắc nhưng không có đủ điều kiện về tài chính. Điều này mở rộng cơ hội tiếp cận học bổng cho sinh viên nhưng đồng thời cũng tăng thêm những nguy cơ, hiểm họa không đáng có. 
Cụ thể, tại Mỹ, đã có những báo cáo về những kẻ lừa đảo tạo ra các trang web như là nhà cung cấp học bổng. Mỗi năm khoảng 1 triệu USD bị mất do những người bị những trang web này lừa. Tờ US News & World Report cảnh báo sinh viên quốc tế khi nộp đơn xin học bổng tại Mỹ không bao giờ đồng ý các yêu cầu trả tiền cho việc đăng ký hay tìm kiếm những thông tin học bổng.
10601-d6f24
Học bổng là một trong những cách thức đơn giản nhất để tiết kiệm chi phí du học.
Vậy, làm thế nào để lường trước những nguy cơ và tránh xa những chiêu trò lừa đảo đang ngày càng trở nên phổ biến? Hãy cùng nhận biết những dấu hiệu sau bạn nhé!
Bạn phải trả phí?
Một điều có thể khẳng định chắc chắn rằng: “Không có bất kỳ một tổ chức quốc tế, trường đại học, nhà cung cấp học bổng nào thu phí từ sinh viên đăng ký xét học bổng”. Nếu bạn bắt gặp những cụm từ như 'chi phí', 'mua', 'mua lại', 'phí' và 'thanh toán' trong điều kiện đăng ký học bổng hay tìm hiểu các thông tin chi tiết, bạn hãy cảnh giác vì đây rất có thể là những chiêu trò lừa đảo từ các tổ chức không chính quy. Những kẻ lừa đảo này chủ yếu đánh vào tâm lý mong chờ và “khát” học bổng của các bạn sinh viên. 
10602-d6f24
Đừng để bản thân rơi vào hoàn cảnh “tiền mất tật mang”!
Bạn có thể nghĩ đơn giản rằng một khoản thu nho nhỏ nhưng đổi lấy một phần học bổng lớn giúp tiết kiệm chi phí là hoàn toàn chấp nhận được. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều sinh viên sau khi nộp tiền vào những tài khoản được yêu cầu đã phải nếm trải cái kết “tiền mất tật mang” khi học bổng mãi không thấy đâu và thời gian apply vào trường cũng bị lỡ dở. Ngoài ra, bạn cũng đừng bao giờ tin vào những email thông báo nhận được học bổng nhưng bạn phải trả một khoản đặt cọc hay một khoản tiền nhất định trước khi nhận học bổng.
Bạn được yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân không hợp lý?
Đối với nhiều sinh viên quốc tế, một vấn đề rất phổ biến khi bạn tìm kiếm học bổng đó là bạn thường được yêu cầu các thông tin cá nhân như những yêu cầu bắt buộc để sử dụng các ứng dụng của trang web. Tuy nhiên thông tin nào “nên” và thông tin nào “không nên” cung cấp?
10603-d6f24
Những thông tin tưởng chừng đơn giản khi vào tay những kẻ xấu lại có thể gây ra những hậu quả tồi tệ.
Tờ US News & World Report đưa ra cảnh báo khẳng định: “Nếu một công cụ tìm kiếm học bổng yêu cầu bạn cung cấp thông tin thẻ tín dụng hoặc thông tin tài chính khác trước khi bạn có thể sử dụng nó thì đừng bao giờ làm theo”. Những yêu cầu thông tin cá nhân bất hợp lý phổ biến có thể kể đến như: chi tiết thẻ ngân hàng, hộ chiếu, thẻ tín dụng hoặc số PIN thẻ ngân hàng,... Bạn có thể không lường trước được nhưng những thông tin này lại hoàn toàn có thể trở thành những trợ thủ đắc lực giúp kẻ xấu xâm nhập vào thông tin tài chính của bạn, thậm chí rút và chuyển tiền từ chính tài khoản cá nhân của bạn.
Bạn bị kích động bởi những lời mời không tưởng?
Những kẻ lừa đảo thường gửi mail cho bạn có đi kèm với những logo của chính phủ, các ngân hàng hay các tổ chức giáo dục. Vì thế ngay khi bạn nhìn thấy những logo như vậy hãy vào các trang chủ của những tổ chức này hay liên hệ trực tiếp với các tổ chức tài trợ có trên logo để xác minh thông tin. Bạn nên kiểm tra các thông tin cụ thể như chi tiết học bổng và ngày hết hạn. Nếu một tổ chức cung cấp học bổng hợp pháp sẽ cung cấp rất đầy đủ các thông tin cho bạn. Đừng quá mơ mộng vào những cơ hội không tưởng mà bị lừa bởi những kẻ hoàn toàn không mang danh “chính phủ”, “trường đại học danh tiếng” như trong lời mời chào!
Bạn là người may mắn duy nhất?
Trường hợp này cũng tương tự như khi bạn nhận được các mẫu quảng cáo “Bạn là khách hàng thứ 100 may mắn nhận được phần quà”. Những nhà cung cấp học bổng hợp pháp luôn cung cấp các chương trình học bổng rộng rãi để tất cả các sinh viên có được cơ hội như nhau. Vì vậy, cái gọi là cơ hội duy nhất chỉ dành cho bạn gần như là điều không tưởng, trừ phi bạn là một sinh viên vô cùng xuất sắc và vô cùng nổi tiếng. 
Những ngôn từ “kích động” này là một chiêu trò marketing phổ biến đánh vào tâm lý của người đọc. Khi nhận được những email như vậy, phần lớn người đọc chỉ chú tâm vào nội dung và gần như bị thuyết phục hoàn toàn vì “những khả năng bạn không có” hay “những may mắn không tưởng” mà quên cảnh giác rằng có thể có hàng ngàn, hàng vạn người cũng nhận được những email tương tự như vậy. Những email này sẽ dẫn bạn theo một đường link đăng ký và phần lớn đều kết thúc ở việc bạn nộp một số tiền lớn gọi là lệ phí học bổng. Một điều tất nhiên rằng bạn sẽ hoàn toàn chẳng có cơ hội chờ được phần học bổng may mắn này vì thực tế, nó chưa bao giờ tồn tại.
10604-d6f24
Một điều chắc chắn rằng bạn không phải là người “may mắn” duy nhất.
Ngày nay, khi ngày càng có nhiều các bạn học sinh muốn tham gia học tập tại nước ngoài trong khi mức chi phí cho việc du học ngày càng tăng thì các chiêu lừa bịp, gian lận cũng tăng lên. Điều này xuất phát chủ yếu từ những rủi ro thông tin khi tìm kiếm chương trình và học bổng thông qua mạng Internet. Bạn thường được yêu cầu cung cấp một số thông tin chung hay chi tiết đăng ký, tài khoản cá nhân... khi tham gia vào các website trên mạng, đây chính là điểm mà rất nhiều kẻ xấu muốn lợi dụng để đánh cắp các thông tin hoặc thậm chí là tiền bạc. 
Điều bạn nên làm là tìm hiểu các nguồn tin chính thống và có sự cảnh giác trước những email mời chào học bổng. Hãy "Vào website trường" hoặc "Yêu cầu thông tin" từ nhà trường để kiểm tra lại chi tiết học bổng, hạn nộp, yêu cầu và các cơ hội học bổng khác phù hợp. Nhớ rằng, luôn phải cảnh giác bạn nhé!
Theo Trí Thức Trẻ

Thứ Năm, 13 tháng 8, 2015


Bạn đọc Trương Minh Phụng đã gửi thư về cho Zing.vn kể về chuyện mình bị lừa khi thuê phòng trọ. Anh kể, cách đây vài ngày, vì một vài lý do, anh cùng người bạn đi tìm chỗ trọ mới. Trong lúc tìm, anh vô tình thấy thông tin có phòng cho thuê với giá từ 900.000 – 1.500.000 đồng/tháng trên một tờ rơi dán trên cột điện. Ngoài thông tin về giá cả, tờ rơi ấy còn nêu ra nhiều điểm thuận tiện và hợp tiêu chí chọn phòng của anh như gần trung tâm, nước chủ nhà bao, điện trả theo giá nhà nước… Gọi theo số điện thoại đính kèm trên đó, đầu dây bên kia là một phụ nữ, chị ta xưng tên là Kim và nói anh có thể tới xem phòng.  Khi đến địa chỉ ghi trên tờ rơi, thấy phòng khá ổn, các điều kiện về điện nước giống tờ rơi ghi nên anh tỏ ý muốn thuê một phòng có mức giá 800.000 đồng/tháng.  Sau khi nghe anh nói, chị Kim yêu cầu anh đặt cọc để giữ phòng. Nếu không đặt cọc, trường hợp có người khác đến xem và vừa ý, chị sẽ cho khách thuê. Tính chuyện ở lâu dài, anh muốn làm hợp đồng luôn nhưng chị Kim lấy cớ là chủ nhà đi vắng đến tuần sau mới về. Chị hẹn chờ chủ nhà về, đôi bên có thể ký hợp đồng trước một ngày. Nghe lời nói có lý, giấy tờ viết tay rõ ràng, địa điểm đó lại là một công ty tin học, không giống lừa đảo nên hai người yên tâm đặt cọc 500.000 đồng. Ngoài các thỏa thuận khác về điện nước giống như thông báo, bạn Phụng còn cẩn thận yêu cầu ghi rõ về việc được để xe trước cửa phòng. Theo thỏa thuận, đến ngày viết trong giấy, nếu họ không dọn đến ở hay ký hợp đồng thì số tiền trên thuộc về chủ nhà. 

"Hiện thông tin về việc cho thuê phòng này tiếp tục xuất hiện trên côt điện gần trường Đại học Nguyễn Tất Thành và được nhiều bạn sinh viên xé đi", bạn Trương Minh Phụng chia sẻ.

Thỏa thuận và đặt cọc xong, về đến nhà, không an tâm lắm, anh lấy điện thoại ra chụp giấy nhận đặt cọc. Vẫn chưa an tâm, hai người trở lại chỗ cho thuê phòng, yêu cầu chị Kim viết thêm số chứng minh nhân dân và số nhà.  Một tuần sau, theo hẹn, anh cùng bạn gái đến để ký hợp đồng. Người tiếp anh không phải là chị Kim mà là một phụ nữ khác (không rõ có phải chủ nhà không). Cầm tờ giấy nhận đặt cọc có ghi rõ các thỏa thuận giữa anh và chị Kim, người phụ nữ ấy xổ một hơi dài và những điều chị này nói làm hai người hoàn toàn bất ngờ. Người phụ nữ này nói, tiền phòng 800.000 đồng; tiền cáp 100.000 đồng; tiền nét 100.000 đồng; tiền giữ xe 300.000 đồng/tháng. Ngoài các khoản trên, chị còn nhắc đến khoản tiền mà hai người không hiểu dùng để làm gì, tiền đăng ký 200.000 đồng/năm. Đồng ý đóng tiền cáp ti vi và internet, song anh không đồng ý khoản tiền giữ xe thì người phụ nữ này cho biết, nếu không đóng tiền giữ xe, xe mất, chị không chịu trách nhiệm. 300.000 đồng/tháng để giữ xe là một khoản không nhỏ với sinh viên, nên sau khi cân nhắc, anh đề nghị để xe trong phòng, khi nào đi mới dắt ra. Không ngờ, nghe vậy, chị này tuyên bố: “Nếu để trong phòng thì trong giờ hành chính, bọn em không được dắt xe ra, nếu dắt sẽ khiến mọi người mất tập trung”. Nghĩ tới số tiền đặt cọc cùng thỏa thuận không ở thì mất trắng, cả hai nhắm mắt đồng ý. Thế nhưng, việc tiếp theo khiến cả hai hơi chột dạ. Chuyện là khi nhờ người phụ nữ này mở cửa để xem phòng một lần nữa, chị ta cho biết chìa khóa bị mất, rồi nhờ một thanh niên mở dùm. "Cứ thế, trước mặt tụi mình, người thanh niên ấy lấy móc quần áo thọc vào ổ khóa vặn vài cái thì mở được cửa", anh kể. Hành động này đã đáng nghi, câu nói tiếp theo của chị càng khiến anh không an tâm. “Phòng không có cửa sổ nên để đề phòng chết ngạt, khi ngủ, bạn em phải để hé cửa phòng, không chốt hay khóa. Còn một điều nữa, đồ đạc trong phòng, các em tự giữ lấy". Anh tỏ ra bức xúc: "Không khóa, không đóng cửa, chả lẽ tụi mình cả ngày lẫn đêm luôn phải có người túc trực để giữ đồ". Nhưng anh và bạn vẫn muốn thuê vì sợ mất tiền cọc. 

Những gì nhắc đến trong giấy thỏa thuận bị bẻ ngược sau một tuần bạn Phụng quay lại ký hợp đồng.  

Không biết có phải sau hàng loạt chiêu vẫn không khiến anh và người bạn nao núng hay không, chị ta quyết định "tung cú chót" để hai người bỏ của chạy lấy người. Người phụ nữ này chỉ toilet cạnh phòng hai người định thuê: “Toilet bị nghẹt. Lâu lâu nó bị tràn nước, tụi cưng nhớ múc đổ ra ngoài. Nếu không, phòng cưng không có bậc cửa, nước sẽ tràn vào”. "Tất cả những khó khăn chị ấy đưa ra đến lúc này, mình và bạn gái có thể vượt qua nhưng tưởng tượng đến một ngày, đi học về, thấy quần áo, chăn màn, sách vở ngâm trong cái thứ nước vàng vàng, sền sệt của toilet, mình choáng muốn xỉu", anh phân tích. Trước trường hợp nan giải này, anh và bạn gái nhìn nhau ái ngại với viễn cảnh ở không được đi không xong. Nhưng nếu bỏ đi thì sẽ mất tiền cọc. Và 500.000 đồng không phải là số tiền nhỏ nên anh mạnh miệng nhắc tới những gì ghi trong tờ đặt cọc. Nghe anh nói, người phụ nữ nạt lớn "ở được thì ở, ở không được thì thôi, đừng lộn xộn" rồi chăm chú bấm điện thoại. Biết cò cưa thêm cũng không được gì, hai người lủi thủi ra về. Trong đầu anh nghĩ thế là mất trắng số tiền cọc, mất số tiền ba mẹ cho để trả tiền phòng, rằng tiếp theo sẽ là những ngày ăn mì tôm và đứng nắng phát tờ rơi kiếm tiền bù lại.  Về đến phòng, một mặt anh nghĩ may mà mình chưa trả phòng, nếu không, không biết đi đâu. Một mặt, ấm ức, anh gọi cho bạn bè kể lể. Không ngờ những người bạn sau khi nghe anh nói đều cho biết họ cũng từng bị như vậy khiến anh càng bức xúc. "Ức nhất là vài ngày sau, những tờ rơi với địa chỉ cũ được dán đầy xung quanh khu trọ mình đang sống. Với những thông tin trên tờ rơi, mình chắc chắn sẽ có thêm vài bạn rơi vào bẫy", anh chia sẻ. Anh cho biết, với nhiều người (hay bọn lừa đảo), số tiền đặt cọc của anh hay bạn bè không lớn, nhưng với sinh viên, đó là mồ hôi nước mắt của ba mẹ, là những lần dãi nắng, dầm mưa phát tờ rơi hay làm phục vụ trong các tiệc cưới. Và những người lừa lọc như thế thật nhẫn tâm.  "Mình nhờ Zing.vn chia sẻ câu chuyện của mình để cảnh báo những bậc phụ huynh sắp đưa con lên nhập học, hay các anh chị sắp rời ký túc xá sau khi tốt nghiệp để tránh bị lừa gạt", anh kết câu chuyện của mình.
Nguồn: Internet

Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2015

Bắt đầu từ năm 2014, những  chiêu trò lừa đảo qua mạng facebook, zalo, viber…bắt đầu xuất hiện nhiều và ngày càng lan rộng ra khắp các mạng xa hội. Tuy không phải hình thức lừa đảo mới nhưng vì nhẹ dạ cả tin mà nhiều người vẫn dính bẫy.

1. Lừa đảo trúng thưởng qua Zalo, Viber…

Việc xuất hiện các “công ty ma” lừa đảo trúng thưởng qua các phần mềm OTT như Zalo Android, Viber, Beetalk cũng nở rộ. Phần lớn tin nhắn lừa đảo thông qua các phần mềm ứng dụng có nội dung, người dùng đã trở thành khách hàng may mắn trúng thưởng một phần quà rất có giá trị, để nhận thưởng bạn cần truy cập vào website gửi kèm trong tin nhắn và nhập thông tin.
canh giac voi chieu lua dao qua zalo nam 2015

lua dao trung thuong qua zalo

Sau khi nhập thông tin trang web tự động chuyển tới phần thông báo cho biết cần phải chuyển một khoản tiền nhất định để làm chi phí hồ sơ thông qua kênh thanh toán rất thiếu chuyên nghiệp là... thẻ cào điện thoại.
Tại ứng dụng Zalo, không ít khách hàng nhận được tin nhắn thông báo đã trúng giải nhất của chương trình “Zalo - nhắn lời yêu thương” trị giá giải thưởng là 1 chiếc xe máy Liberty và số tiền mặt là 50 triệu đồng. Tuy nhiên, khi nạp tiền làm “thủ tục” thì phát hiện ra mình bị lừa.

2. Hack nick zalo, nhờ bạn bè nạp thẻ điện thoại

Không ít người ăn "quả lừa" khi nhận được tin nhắn trên zalo apk của bạn bè về việc nhờ nạp thẻ điện thoại. Sau khi mua thẻ, nhắn số thẻ cho "bạn" xong thì mới tá hỏa là tài khoản zalo của bạn mình bị kẻ xấu chiếm đoạt và lợi dụng kiếm tiền.
Nhiều người biết trước chiêu trò lừa đảo bằng việc hack nick zalo nên đã "trêu ngươi" lại kẻ lừa đảo.

cach giac voi chieu lua dao qua zalo nam 2015

Hack nick zalo nho nap the


Trong khoảng thời gian đầu, rất nhiều người đã bị lừa từ chiêu này. Tuy nhiên, sau khi “dính phốt”, các bạn trẻ không chỉ rút kinh nghiệm cho bản thân mà còn cảnh báo cho bạn bè, người thân để tránh được chiêu lừa này.
Bạn Mai Lĩnh (Hà Nội) chia sẻ: “Có một lần mình cũng được một nick zalo hỏi thăm và nhờ nạp thẻ. Trước đó mình nghe bạn bè kể về mấy cái chiêu lừa này rồi nên đã “đùa” lại kẻ xấu bằng cách đọc một cái mã thẻ điện thoại đã dùng. Tên lừa đảo đó không biết ngại mà còn trơ trẽn, mắng chửi lại mình”.
Hiện các hình thức lừa đảo vặt qua mạng trên ngày càng trở nên phổ biến. Vì vậy, những người sử dụng mạng xã hội hay các phương tiện liên lạc như điện thoại smartphone cần tỉnh táo để tự bảo vệ mình, tránh rơi vào bẫy mà những kẻ lừa đảo lợi dụng lòng tin để đặt ra.

Zalo hiện đang là ứng dụng chat phổ biến nhất hiện nay. Bạn chỉ cần có một chiếc điện thoại smartphone là có thể tai zalo về và cài đặt trên thiết bị của mình. Tất nhiên việc tai zalo mien phi là điều đương nhiên rồi, vì ứng dụng zalo chat này hoàn toàn miễn phí trên điện thoại. Khi tai zalo android về xong bạn hãy cài đặt và sử dụng để nhắn tin, gọi điện và chat miễn phí với bạn bè và người thân. Còn chần chừ gì nữa mà không nhanh tay cầm điện thoại của mình lên và tai zalo về cài đặt sử dụng đi nào!


Thứ Ba, 14 tháng 7, 2015

Giả danh nhà trường lấy tiền của thí sinh
Lợi dụng lòng tin của thí sinh và người nhà đang trong thời gian tìm trường đại học, cao đẳng có xét tuyển nguyện vọng, một số đối tượng đã giả danh là cán bộ tuyển sinh của Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông tự thành lập phòng tuyển sinh để nhận đơn xét tuyển nguyện vọng 2. Mục đích của các đối tượng này là lợi dụng lòng tin và mong muốn được vào học của thí sinh để lừa tiền.
Phản ảnh tới Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, người nhà của thí sinh V.T.H.T cho biết, T. thi nguyện vọng 1 vào khoa Điều dưỡng, Trường Đại học Y Dược Hải Phòng được 17,5 điểm, sau khi nhận phiếu báo điểm không đậu nguyện vọng 1, gia đình và em đã chủ động lên mạng tìm các trường có xét tuyển nguyện vong 2. Theo lời T., sau một hồi tìm kiếm em tìm được facebook ghi tên Trường Cao đẳng y tế Hà Đông có đề tuyển nguyện vọng 2. Biết được mức điểm của mình có thể đỗ vào trường này, T. quyết định gửi phiếu báo điểm theo địa chỉ là P103, nhà N3, số 109 Hồ Tùng Mậu, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội. 
Người đàn ông tự xưng là Nguyễn Đức Toàn có nhắn tin số tài khoản đến người nhà em T. để bắt chuyển tiền qua tài khoản, nếu không có thể chuyển tiền trực tiếp cho người tên Quỳnh. Ảnh Xuân Trung
Để biết rõ hơn về các quy định, tiêu chí thì người nhà em T đã chủ động gọi điện cho người phụ trách tuyển sinh theo địa chỉ trên và người này tự xưng là Quỳnh (người tiếp nhận hồ sơ). Qua một hồi nói chuyện với “người tiếp nhận hồ sơ” xét tuyển nguyện vọng 2 thì được biết, việc thông báo tuyển nguyện vọng chỉ là hình thức, còn thí sinh có nộp hồ sơ đúng thời hạn xét tuyển hay không đều thuộc diện không được nhà nước hỗ trợ kinh phí đào tạo, do đó phải đóng thêm 10 triệu đồng.
Người tên Quỳnh này còn nói thẳng, đây là khoản tiền để chạy được vào học cho chắc chắn. Cũng theo người này năm nay có 50 suất, đã lo cho khoảng 14 thí sinh thành công. Nếu không có khoản 10 triệu này thì hồ sơ có gửi đến trường Phòng đào tạo cũng cho vào sọt rác?
Ngay sau đó, trong vai là người nhà của em T, chúng tôi tìm đến địa chỉ như trên thì đúng là có người tên Quỳnh tự xưng là phụ trách tuyển sinh của Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông. Sau một hồi nói chuyện, mặc cả giá và trước thắc mắc của gia đình lấy gì đảm bảo khi đóng 10 triệu em T sẽ được vào học, người này chỉ nói sẽ có hóa đơn, đảm bảo 100% đỗ (đảm bảo bằng mồm). “Nguyện vọng 2 chỉ mang tính chất minh họa, chỉ 12-13 điểm là qua. Có người 11 điểm vẫn vào mà 14 điểm vẫn trượt vì không đóng 10 triệu, bởi khi vào trường ngoài phần học lý thuyết ra thì vẫn phải có phần hỗ trợ ngoài ngân sách” người tuyển sinh tên Quỳnh này nói (trích băng ghi âm).
Trong quá trình làm việc với người tên Quỳnh chúng tôi tiếp tục được cho gặp người đàn ông tên Nguyễn Đức Toàn, người này tự giới thiệu đang công tác tại Khoa hợp tác quốc tế của một trường đại học và luôn miệng nói: “Thực ra, trong quá trình liên kết với Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông chúng tôi có một số suất ngoại giao”. Nếu người nhà thí sinh đồng ý thì sẽ đóng tiền cho người tên Quỳnh là chắc chắn đỗ vào trường?
Sau khi người nhà em T xin phép không đóng tiền ngay mà về bàn lại, nghi danh tính bị lộ, người tên Quỳnh có đề cập với người nhà em T sẽ lo cho em T vào học không mất tiền, hứa sẽ có người đưa đến trường làm thủ tục nhập học. 
Theo tìm hiểu của phóng viên, địa chỉ nhận phiếu xét tuyển nguyện vọng 2 vào Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông chỉ là giả mạo. Lợi dụng lòng tin của thí sinh các đối tượng  mượn danh cán bộ trường Cao đẳng y tế Hà Đông để ăn chặn tiền thí sinh.

Lãnh đạo nhà trường nói gì?
Trong buổi làm việc giữa phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam và lãnh đạo Trường Cao đẳng Y Hà Đông ngày 11/9 vừa qua, buổi làm việc gồm các ông Nguyễn Đăng Trường –Hiệu phó, bà Đặng Thị Quỳnh Hoa –Trưởng phòng đào tạo, bà Đỗ Thị Thúy – Trưởng phòng thanh tra và Kiểm định chất lượng, ông Nguyễn Ngọc Hiến – Phó trưởng phòng hành chính nhà trường. 
Trụ sở giả danh phòng tuyển sinh mà các đối tượng lừa đảo đang hoạt động, nằm tại P103 toàn nhà này (Số 109 Hồ Tùng Mậu). Ảnh Xuân Trung
Trước thông tin mà phóng viên cung cấp như trên, lãnh đạo nhà trường tỏ ra khá bất ngờ vì trường không có những việc làm xét tuyển vô giáo dục như vậy. Ông Nguyễn Đăng Trường khẳng định, mọi thủ tục xét tuyển đều theo quy định của Bộ GD&ĐT, các thí sinh đủ điều kiện xét tuyển sẽ gửi qua đường bưu điện, sau khi hết hạn nhận hồ sơ nhà trường sẽ thành lập Hội đồng xét nguyện vọng để đưa ra mức điểm xét tuyển, đảm bảo đúng chỉ tiêu mà Bộ GD&ĐT cho phép.
Về địa chỉ văn phòng tuyển sinh tại P103, tòa nhà N3, số 109 Hồ Tùng Mậu (P. Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) lãnh đạo nhà trường cũng xác nhận trường không có văn phòng tuyển sinh như địa chỉ theo phản ánh. Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông ngoài trụ sở chính (Số 39 Nguyễn Viết Xuân, Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội) chỉ có duy nhất văn phòng tại địa chỉ số 9 Bùi Ngọc Dương.Khẳng định trước thông tin có người tên Quỳnh tự xưng là người của trường có dấu hiệu ăn chặn tiền thí sinh thông qua việc nhận hồ sơ xét tuyển, ông Nguyễn Đăng Trường khẳng định, nhà trường không có ai tên Quỳnh làm tại bộ phận tuyển sinh, chỉ có cô Quỳnh ở bộ môn Điều dưỡng và cô này không tham gia công tác làm tuyển sinh.
Ngoài ra, liên quan tới người đàn ông tự xưng là Toàn, công tác tại Trường Đại học Nguyễn Trãi nói có liên kết với trường, ông Trường cũng khẳng định, Trường Cao đẳng y tế Hà Đông không có bất cứ liên kết nào với Trường Đại học Nguyễn Trãi, đặc biệt là Khoa hợp tác quốc tế của Trường đại học Nguyễn Trãi. 
Lãnh đạo nhà trường cũng bày tỏ, đây là hình thức lừa đảo, mượn danh tiếng của trường để lừa lấy tiền thí sinh, làm mất uy tín của trường. Theo thông tin, một số năm trước Trường Cao đẳng y tế Hà Đông cũng bị một số đối tượng mượn danh nhà trường để làm ăn bất chính, lãnh đạo nhà trường phải mời công an vào điều tra làm rõ.
Qua sự việc này các thí sinh hết sức thận trọng và lưu ý, các chỉ tiêu, nguyện vọng, các thông tin chính thống của trường đại học, cao đẳng mà thí sinh quan tâm có thể liên hệ trực tiếp tại trường hoặc Ban chỉ đạo tuyển sinh Bộ GD&ĐT để tránh bị lừa gạt. 
Nguồn: Tổng hợp.

Số lượng người dùng lớn và sự thiếu cảnh giác của họ đang biến Facebook thành môi trường lý tưởng để các virus và mã độc phát tán.



Các chiêu trò lừa đảo đang xuất hiện ngày càng nhiều nhắm vào cộng đồng người dùng Facebook Việt Nam. Các trò lừa đảo này theo đó cũng có độ phức tạp và tinh vi cao hơn khiến người dùng dễ dàng mắc lừa nếu thiếu cảnh giác. Thời gian gần đây, một hình thức lừa đảo xuất hiện nhiều phải kể đến các tin nhắn được phát tán thông qua tính năng Inbox / Facebook Messenger của mạng xã hội lớn nhất hành tinh. N. Linh (nhân viên văn phòng tại Hà Nội) chia sẻ: "Mình liên tục nhận được các tin nhắn từ một tài khoản có tên Sự Kiện Thông Báo trong đó nhắc đến việc tài khoản của mình đã trúng một giải thưởng của Facebook."

Tin nhắn mà nhiều người dùng nhận được gần đây.

Kèm theo tin nhắn này là một đường link. Khi click vào đường link, người dùng sẽ được chuyển đến một trang đăng nhập giả giống hệt trang đăng nhập của Facebook. Theo đó, nếu không để ý đến địa chỉ trên thanh URL, người dùng có thể dễ dàng bị lừa nhập email cũng như mật khẩu vào giao diện này, từ đó dẫn đến nguy cơ mất tài khoản hoặc bị nhiễm mã độc. Tài khoản của người dùng sau đó có thể tiếp tục phát tán các tin nhắn tương tự đến bạn bè hoặc được dùng cho mục đích quảng cáo.

Giao diện của một trang lừa đảo khá tinh vi. Khi truy cập vào một website yêu cầu đăng nhập thông tin cá nhân, người dùng được khuyến cáo cần đặc biệt chú ý đến độ xác thực và tính tin cậy của đường dẫn URL. (Tên đường dẫn được làm mờ vì lý do bảo mật).

Đây không phải lần đầu tiên các trò lừa đảo xuất hiện trên Facebook. Trước đó, có thể không ít lần bạn đã bắt gặp các thông điệp... lừa đảo như đường dẫn nạp tiền điện thoại nhận khuyến mại hay vẽ hình chibi miễn phí. Thực tế, việc Facebook đang có lượng người dùng lớn tại Việt Nam khiến mạng xã hội này trở thành một môi trường lý tưởng để những cá nhân hoặc tổ chức có ý đồ xấu phát tán virus / mã độc.

Mục App Settings liệt kê các tài khoản đang được cấp quyền truy xuất tài khoản người dùng.

Trong trường hợp bạn đã "mắc lừa", hãy thực hiện đổi mật khẩu tài khoản ngay lập tức đồng thời kích hoạt bảo mật hai lớp để tăng độ bảo mật cho tài khoản. Thỉnh thoảng bạn cũng được khuyên hãy vào mục App Settings của tài khoản cá nhân để phát hiện kịp thời các ứng dụng đáng nghi đang được cấp quyền truy xuất thông tin của bạn. Tại đây, hãy click vào nút gạch chéo để gỡ các ứng dụng đáng nghi. Các ứng dụng này cũng có thể là tác nhân gây ra tình trạng tự động spam ở tài khoản của bạn.

(Tổng hợp)

Gần đây, nhiều người dùng Facebook nhận được những tin nhắn hoặc bài viết tư vấn ưu đãi khuyến mãi nạp tiền di động của "bà chị MobiFone" nhưng lại áp dụng với thẻ cào Viettel.



Theo đó, thông tin được đăng tải có nội dung: “Nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập, tất cả ba nhà mạng đồng loạt tổ chức chương trình khuyến mãi nạp thẻ cho các nhân viên đang làm trong ba nhà mạng, thông qua hệ thống website thanh toán trực tuyến”.
Để thu hút người dùng, người chuyển tin cho biết thêm: “Mình có bà chị làm ở MobiFone nên bà ấy chỉ cho mình mua một thẻ 200k Viettel nạp, và đã được khuyến mãi. Hiện tại, tài khoản của mình đã hơn 2 triệu rồi. Mình cũng có chụp ảnh cho các bạn xem luôn nè”.
Sau khi đưa ra hình ảnh về tin nhắn (đã được chỉnh sửa), kẻ lừa đảo dụ người dùng truy cập vào website: http://eventnapthe... nạp tiền, để nhận được khuyến mãi gấp 10 lần.

Nhiều người nhận được tin nhắn khuyến mãi nạp thẻ lừa đảo qua Facebook hoặc tin nhắn. Ảnh chụp màn hình.

Khi truy cập vào trang web nêu trên, người dùng dễ dàng thấy ngay công cụ nạp thẻ phía bên trái trang, với các ô có nội dung loại thẻ nạp, số di động cần nạp, số seri và mã thẻ, thanh toán. Ngoài ra, trên trang xuất hiện thông tin khuyến mãi tặng 500% giá trị thẻ nạp với bảng chính sách chiết khấu.
Website này cũng lưu ý: "Mỗi thuê bao Bankplus nạp tiền và thuê bao nhận tiền chỉ được hưởng khuyến mãi 1 lần đầu tiên nạp thẻ. Giá trị khuyến mãi tối đa 500.000 đồng. Khuyến mãi 500% chỉ áp dụng cho thẻ nạp lớn hơn 50.000 đồng. Thời gian từ 00h00 12/6 đến 18/6/2015".
Trên trang cũng có thông tin website được đăng ký tại Bộ Công Thương. Tuy nhiên, khi gõ tên trang web eventnapthe… không có kết quả nào được tìm thấy trên công cụ tìm kiếm tại website của cơ quan này.
Anh Nguyễn Thuận - người điều hành fanpage "Không bị lừa gạt" (khuyến cáo cảnh giác với các chiêu thức lừa đảo trên mạng) cho biết, nhiều thành viên phản ánh nhận được tin nhắn điện thoại, Facebook, hoặc bị tag (gắn thẻ) vào thông tin với nội dung lừa đảo tương tự. Tuy nhiên, những kẻ lừa đảo thay đổi thời gian khuyến mãi, trang web và mối quan hệ với các nhà mạng, như "cháu của ông chú làm ở Viettel", "cô em có chị làm ở MobiFone"…
"Gần đây nhất, thành viên Hà Linh (Hà Nội) phản ánh, cô nhận được tin nhắn Facebook với nội dung: Bộ Viễn Thông Việt Nam triển khai tặng 500% giá trị thẻ nạp. Thời gian từ 22/4 tới 30/4, và từ 6/6/2015 tới 10/6/2015, chỉ có tại địa chỉ website duy nhất http://eventnapthe... Để khẳng định thông tin, người nhắn cho biết, đã nạp thành công thẻ 500.000 đồng được 5 triệu, và có chụp màn hình cho khách hàng xem, đồng thời nhấn mạnh: Ai có người nhà hay người quen làm ở đấy hỏi thì sẽ rõ", anh Thuận cho hay.

Công cụ nạp thẻ khuyến mãi trên website http://eventnapthe... thực chất là chuyển tiền cho kẻ lừa đảo. Ảnh chụp màn hình.
Sau vụ những kẻ tự xưng là "cháu của ông chú ở Viettel" bị bắt, hầu hết người dùng đều cảnh giác cao độ với hình thức tương tự. Hơn nữa, những thông tin nhầm lẫn của kẻ lừa đảo, như có "bà chị MobiFone" nhưng ưu đãi khuyến mãi nạp thẻ cào Viettel cũng là cơ sở để người đọc nghi ngờ. Tuy nhiên, việc các thông tin lừa đảo xuất hiện phổ biến trở lại và tự động có trong tin nhắn, trên tường Facebook, khiến người dùng cảm thấy phiền phức và bức xúc.
Đưa ra lời khuyên cho các thành viên, admin fanpage "Không bị lừa gạt" cho biết, khi bị đăng các thông tin lừa đảo lên tường, người dùng có thể nhấn vào góc trái bức ảnh hoặc lời nhắn ngay trên tường, để không bị tin nhắn này làm phiền hoặc phát tán rộng rãi.
Theo đó, người dùng có 3 tuỳ chọn: "I don’t like this post" (cho phép bạn báo cáo với Facebook ảnh này là spam, phiền toái), "Hide from Timeline" (bài viết sẽ không xuất hiện trên tường của bạn), và "Remove Tag" (gỡ tên bạn khỏi bức ảnh).
Trao đổi với Zing.vn, đại diện Viettel cho biết, nhà mạng này không có chương trình nào khuyến mãi như vậy. Thương hiệu nói trên cũng không có kỷ niệm 20 năm trong năm nay. "Trò lừa đảo này đã quá cũ, nhưng không hiểu sao vẫn có người tiếp tục làm", nguồn tin từ Viettel cho biết.
Còn đại diện VinaPhone cho biết, công ty kỷ niệm 19 năm thành lập trong tháng 6, và sau đó là "tuổi 20". Tuy nhiên, việc khuyến mãi gấp 5-10 lần giá trị thẻ nạp là không có.
Một lãnh đạo cấp cao của MobiFone thì cho hay, thương hiệu này kỷ niệm 20 năm thành lập từ năm 2013. "Nhìn vào thông tin "bà chị làm ở MobiFone" lại tư vấn mua thẻ cào Viettel để hưởng khuyến mãi, có thể thấy ngay là lừa đảo rồi. Tuy nhiên, việc có chụp màn hình về kết quả khuyến mãi có thể khiến mọi người bán tín bán nghi dù đó là ảnh chỉnh sửa", ông này nói.
Lãnh đạo này giải thích thêm, về nguyên tắc, khi người dùng nhắn tin để kích hoạt khuyến mãi theo hướng dẫn của kẻ lừa đảo, thực chất họ thực hiện cú pháp lệnh chuyển tiền. Sau khi nhận được mã thẻ, kẻ lừa đảo thường chuyển vào tài khoản game, để sau đó rao bán hoặc chơi.
Lãnh đạo này cũng tiết lộ, toàn bộ các hoạt động nói trên đều bị ghi dấu trên hệ thống. Khi nhà mạng mời cơ quan công an vào cuộc thì việc bắt người lừa đảo không khó, bởi có bằng chứng và vị trí rõ ràng. Tuy nhiên, do nhận thức về nguy cơ bị bắt của người lừa đảo còn hạn chế, nên họ vẫn tiếp tục làm.
Nguồn: Internet

Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2015

Khi nhiều sinh viên đã bắt đầu cảnh giác với các trò lừa đảo tuyển dụng để bán hàng đa cấp, một số tổ chức đã chuyển sang các hình thức rao tuyển lừa đảo khác trên mạng internet như: Tuyển nhân viên đánh captcha, nhặt bóng sân tennis, bán vé xem phim vé hồ bơi…

Kết quả hình ảnh cho lừa đảo xin sinh viên

Các công ty lừa đảo lợi dụng những sơ hở trong chế độ quản lý đăng tin bài tuyển nhân viên trên các trang web và sự lan toả nhanh của mạng xã hội.

Quan trọng hơn là những công ty này đánh vào tâm lý muốn nhanh chóng tìm công việc “nhẹ nhàng, lương cao” của một số bán trẻ. 

Trên trang timviecnhanh, thành viên có nicknam TinhMong hôm 1/4 kể chuyện suýt bị mất tiền oan khi xin việc. “Mình suýt bị lừa ở công ty THHH Thương mại và du lịch C.H.P, đường bờ sông Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội. Mới vào họ kêu mình đóng 105.000 đồng chuyển hồ sơ, lương 6 - 7 triệu đồng/tháng” - TinhMong.

Ngày hôm sau, bạn trẻ này được gọi đến để làm hợp đồng và đóng 20% tháng lương. Bạn trẻ này kể: “Thấy nghi ngờ, mình tìm hiểu biết mình bị lừa. Mình đòi lại 105.000 đồng. Người ta cãi nhau rồi mới trả lại”.

Trong khi nhiều người còn đang “bán tín, bán nghi” về công việc đánh máy tại nhà, nick name Dương Xuân ngày 3/7 chia sẻ trên trang “Những trò lừa đảo sinh viên cần biết” vạch trần mánh khoé lừa đảo. 

Thành viên này nhận làm công việc đánh văn bản cho công ty C.L.G (đường Cộng Hoà gần trường Nhật Ngữ Hoa Mai). 

Nhưng sau phải đóng phí 145.000 đồng và nhận việc thì công việc lại là gõ Captcha (gõ đoạn mã để phân biệt người hay robot). Công việc không đơn giản như đánh văn bản. “Đánh 1.000 từ được 10.000 đồng, nhưng 1 ngày tôi chỉ có thể đánh được 180 từ” - Dương Xuân tâm sự.
 Những chia sẻ về tình trạng lừa đảo thu hút sự quan tâm của cộng đồng.
 Những chia sẻ về tình trạng lừa đảo thu hút sự quan tâm của cộng đồng.

Một thành viên giấu tên tố cáo việc lừa đảo sinh viên xin việc nhặt bóng ở sân tennis.

Thành viên này chia sẻ: “Mình đã bị lừa việc nhặt bóng tennis ở 4.. Phạm Văn Đồng, Hà Nội. Mức lương là 300 000 đồng/3h nhưng đầu tiên muốn đi làm bạn sẽ yêu cầu nộp 400.000 đồng chi phí tiền cò”.

Sau đó bạn sẽ được dẫn đến một nơi khác để học việc và bị yêu cầu nộp thêm 250.000 đồng và phải trải qua một bài kiểm tra mới được đi làm. Nộp tiền xong họ bảo về nhà học 5 ngày coi như là thử việc và bạn sẽ được 1.500.000 đồng. Khi quay lại, họ cãi bay là chưa nộp tiền và không biết bạn là ai”.

Không có hợp đồng cụ thể, không có bằng chứng cáo buộc đòi lại tiền, sinh viên chỉ còn biết chia sẻ trên các trang mạng xã hội để bạn bè, người thân tránh bị lừa.

Mất tiền oan và bị lợi dụng sức lao động, bạn Dương Xuân ấm ức: “Mình mới bị lừa xong ấm ức tức không nói lên lên lời. Ngồi đánh máy lòi mắt không đủ tiền mua thuốc tra mắt. Bạn nào đọc được thì thông báo cho cho người thân và bạn bè biết nha”.

“Thiệt chứ không lẽ tôi canh ở cổng công ty, thấy bạn nào đi và để mà dẫn ra. Lương tâm để đâu không biết!”.

Ngán ngẩm vì nhiều tình trạng lừa tình trạng lừa đảo, bạn trẻ nick name Dat HuynhPhat trên trang “Những trò lừa đảo sinh viên cần biết” tâm sự: “Học hành vất vả tốt nghiệp xong mừng rớt nước mắt, giờ ra xin việc làm thì bị lừa thiệt nản thật. Kính mong cơ quan chức năng vào cuộc để không còn ai bị lừa nữa.” 

Trước quá nhiều thông tin về lừa đảo được đăng tải thành viên Trinh Lan tỏ ra lo ngại: “Muốn tìm một việc làm thêm mà thông tin lừa đảo nhiều quá”.
Nguồn: Internet

Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

Thời gian qua, trên mạng internet xuất hiện tình trạng một số đối tượng dùng thủ đoạn để trộm mật khẩu nick chat hoặc mật khẩu hộp thư điện tử, sau đó lên mạng, giả danh làm người có nick chat hoặc hộp thư rồi vào list, chat với tất cả bạn bè, người thân của họ và bắt đầu thực hiện màn kịch lừa đảo.
Cảnh giác với trường hợp dùng nick của người khác để lừa đảo
Trường hợp của anh Nguyễn Văn H., trú ở Minh Khai, Hà Nội là một điển hình. Anh là giảng viên của một trường đại học danh tiếng ở Hà Nội. Điều anh H. không bao giờ có thể ngờ tới là mình bị chính cô học sinh của mình lừa đảo chiếm đoạt hơn 600 triệu đồng và 1 chiếc xe SH.
Để tìm hiểu vì sao anh H. lại dễ dàng bị đối tượng lừa đảo với số tiền lớn như vậy, chúng tôi đã gặp trực tiếp anh H. để hỏi rõ ngọn ngành. Theo lời kể của anh H thì sở dĩ anh bị sinh viên của mình là Nguyễn Thu Hương, 23 tuổi, trú ở phường Đồng Tâm lừa đảo vì qua mạng facebook anh có quen với bạn gái tên là Linh, thi thoảng chat với nhau.
Lúc đó, hai người chưa có tình cảm gì, cũng chưa biết mặt nhau. Do quen biết với Linh nên Hương đã "mượn" mật khẩu nick chat "thuytiennhoban" của Linh, sau đó thay password rồi đóng giả Linh để nói chuyện với anh H. Vì là sinh viên của anh H nên Hương biết rõ ngọn ngành về thầy giáo mình và lập mưu lừa đảo. Theo lời giới thiệu của Linh (tức Hương) thì mình là con gái nhà "danh gia vọng tộc", có cụ là lãnh đạo cấp Tướng, ông làm tới Thứ trưởng, bố mẹ, cậu… đều làm ở Bộ Ngoại giao…
Tưởng gặp được một cô gái tử tế nên anh H. cũng không ngại ngần kể về thân thế và bản thân mình. Chính vì vậy, mỗi khi muốn "moi" tiền, Hương đều nại ra những lý do hết sức hợp lý như việc mình đang mở phòng tranh ở Singapore nhưng không muốn xin tiền bố mẹ vì muốn chứng tỏ khả năng của bản thân, "nhờ" anh H. gửi tiền.
Sau đó, "Linh" bịa ra việc mẹ, cụ và những người thân trong gia đình mình sinh nhật, cần phải tặng những món quà có giá trị để chứng tỏ là người con có hiếu khiến anh H. phải móc hầu bao mua quà gửi cho "Linh". Sau khi "cá đã cắn câu", "Linh" lại nói rằng vì gia đình mình "danh gia vọng tộc" nên khi biết "Linh" yêu thầy giáo, sợ con mình sau này khổ vì lương giáo viên ít ỏi nên gia đình cấm đoán, cắt mọi viện trợ, thu máy tính xách tay để gây sức ép, bắt "Linh" phải chia tay thầy giáo hoặc phải tự túc học hành.
Tưởng "Linh" bị gia đình bỏ rơi thật nên anh H. đã gửi tiền cho "Linh" để cô tiếp tục học hành. Không chỉ thế, trong vai "Linh", Hương còn cho rằng mình mới bị bạn trai bỏ rơi nên không tin tưởng đàn ông. Chính vì vậy, ngoài việc trao đổi qua điện thoại, chat và qua facebook, anh H. không bao giờ được gặp "Linh" ngoài đời. Khi anh H. tỏ ý nghi ngờ, "Linh" lại lu loa lên rằng anh không tin tưởng cô ta, anh H. giống người yêu cũ của cô ta và dọa cắt đứt quan hệ.
Điều này đã khiến anh H. "ngại" không muốn truy tiếp những nghi ngờ của mình. Anh H. cho biết thêm, sau khi bị Linh nhiều lần "mượn" tiền, anh đã nghi ngờ có việc mạo danh nên thử bằng cách gửi địa chỉ gmail và password của mình cho "Linh", nhờ tải hộ một số dữ liệu trong gmail mà anh không tải được.
Sau khi "Linh" thực hiện động tác trên, anh H. đã kiểm tra thông tin trong gmail của mình và phát hiện người vừa tải dữ liệu đang ở Việt Nam chứ không phải ở Pháp như "Linh" vẫn nói. Chính vì vậy, anh đã báo cáo với cơ quan công an và thực sự bất ngờ khi người lâu nay vẫn nói chuyện yêu đương, xây dựng hạnh phúc lâu dài với anh chính là cô sinh viên mà anh vẫn gặp hàng ngày.
Từ vụ án trên cho thấy, việc đối tượng phạm tội lợi dụng thư điện tử, nick chat, tài khoản trên facebook…của bị hại để thực hiện hành vi phạm tội khá dễ dàng. Có những trường hợp, đối tượng dùng nick chat của người khác để thực hiện hành vi cướp tài sản.
Điển hình là vụ đối tượng Nguyễn Hữu Việt, 20 tuổi và Bùi Quang Hiệp, 27 tuổi, đều ở huyện Đông Anh, Hà Nội đã lợi dụng nick chat của bạn gái tên là Phương lên mạng lừa tình. Qua chat, chúng gặp được anh Nguyễn Thế Hùng và rủ anh Hùng đi chơi. Tưởng thật, anh Hùng đến địa điểm "Phương" đã hẹn thì bị Việt và Hiệp bóp cổ rồi cướp chiếc xe máy, mang về huyện Đông Anh đặt lấy tiền tiêu xài.
Đặc biệt, việc một số đối tượng dùng thủ đoạn để ăn cắp mật khẩu sau đó vào mail, chat của bị hại để lừa tiền bạn của bị hại rất phổ biến. Nhất là trường hợp lừa đảo cào sim điện thoại, thẻ chơi games. Vì số tiền lừa đảo dạng này thường không nhiều, chỉ từ vài trăm đến vài triệu đồng nên các bị hại thường không trình báo với cơ quan Công an.
Điển hình như trường hợp của chị Nguyễn Hoài Vân ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Buổi sáng, vừa thấy chị đến cơ quan, một đồng nghiệp hết sức ngạc nhiên vì tối qua chat với chị, chị nói là đang ở tận Nghệ An, bị hết tiền điện thoại nhờ cào thẻ 300.000đ. Nghe nói thế, đến lượt chị Vân ngạc nhiên vì tối hôm qua chị không hề chat, cũng không nhờ cào thẻ điện thoại. Như vậy, đã có kẻ mạo danh chị để thực hiện việc lừa đảo. Chị Vân cũng không thể vào nick chat của mình nữa vì password đã bị thay đổi.
Những biện pháp cần phòng ngừa tránh bị thiệt hại
Được biết, nguyên nhân của việc đối tượng xấu ăn cắp  password email, nick chat, lấy trộm thông tin, tài liệu để thực hiện các hành vi phạm tội như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mạo danh bôi nhọ người khác là do chính bị hại  đặt mật khẩu của mình không chặt chẽ, thường lấy tên, họ hoặc tên người thân hoặc ngày tháng năm sinh của mình đặt mật khẩu nên dễ bị đối tượng dò được.
Một thủ đoạn khác của các đối tượng lừa đảo là thường gửi đính kèm vào các trang web đen đường dẫn có chứa virus bẻ khóa lấy dữ liệu, password, ghi lại ký tự của bàn phím… của khách hàng. Điển hình mới đây, nhiều khách hàng ngỡ tưởng sau khi truy nhập vào trang web do đối tượng gửi đến sẽ download được những hình ảnh đẹp.
 Thế nhưng, sau khi làm theo sự hướng dẫn trên trang web này, các khách hàng đã bị mất hết password nick chat, email  của mình. Bên cạnh đó còn có hình thức lừa đảo thông  qua bán hàng trên mạng. Thậm chí còn có hình thức giả danh một trang web của ngân hàng để yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin để lừa đảo.
Trung tá Ngô Minh An, Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an TP Hà Nội cho biết, đơn vị đã tiếp nhận nhiều đơn trình báo của các bị hại, trong đó có bị hại bị lừa từ người đang ở nước ngoài.
Được biết, Công an Hà Nội đã điều tra, xử lý nhiều trường hợp lợi dụng nick chat của người khác để thực hiện hành vi phạm tội như trường hợp Trần Đức Thiện, sinh viên Đại học FPT dùng tên và tài khoản của anh Nguyễn Chương Đỉnh, trú tại TP HCM để đăng tin trên trang web handheld.com.vn, lừa đảo 1 máy tính xách tay trị giá 23 triệu đồng…
Chính vì vậy, khi đặt password cho các tài khoản điện tử, mọi người nên tránh dùng những password là ngày sinh, tên người thân, cơ quan làm việc…Bên cạnh đó, người sử dụng nên ghi nhớ câu hỏi bí mật để khôi phục tài khoản nếu không may bị đối tượng xấu lấy được.
Khi sử dụng máy tính công cộng, mọi người không nên đồng ý để máy tính lưu lại mật khẩu và cần thoát ra ngay sau khi sử dụng. Đối với người quen, sau khi cho mật khẩu cũng cần kiểm soát việc giao dịch trên tài khoản của mình. Có như vậy, mới tránh được tình trạng bị đối tượng xấu lợi dụng tài khoản điện tử để thực hiện các hành vi phạm tội.
Nguồn: Internet

Subscribe to RSS Feed Follow me on Twitter!