Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

Thời gian qua, trên mạng internet xuất hiện tình trạng một số đối tượng dùng thủ đoạn để trộm mật khẩu nick chat hoặc mật khẩu hộp thư điện tử, sau đó lên mạng, giả danh làm người có nick chat hoặc hộp thư rồi vào list, chat với tất cả bạn bè, người thân của họ và bắt đầu thực hiện màn kịch lừa đảo.
Cảnh giác với trường hợp dùng nick của người khác để lừa đảo
Trường hợp của anh Nguyễn Văn H., trú ở Minh Khai, Hà Nội là một điển hình. Anh là giảng viên của một trường đại học danh tiếng ở Hà Nội. Điều anh H. không bao giờ có thể ngờ tới là mình bị chính cô học sinh của mình lừa đảo chiếm đoạt hơn 600 triệu đồng và 1 chiếc xe SH.
Để tìm hiểu vì sao anh H. lại dễ dàng bị đối tượng lừa đảo với số tiền lớn như vậy, chúng tôi đã gặp trực tiếp anh H. để hỏi rõ ngọn ngành. Theo lời kể của anh H thì sở dĩ anh bị sinh viên của mình là Nguyễn Thu Hương, 23 tuổi, trú ở phường Đồng Tâm lừa đảo vì qua mạng facebook anh có quen với bạn gái tên là Linh, thi thoảng chat với nhau.
Lúc đó, hai người chưa có tình cảm gì, cũng chưa biết mặt nhau. Do quen biết với Linh nên Hương đã "mượn" mật khẩu nick chat "thuytiennhoban" của Linh, sau đó thay password rồi đóng giả Linh để nói chuyện với anh H. Vì là sinh viên của anh H nên Hương biết rõ ngọn ngành về thầy giáo mình và lập mưu lừa đảo. Theo lời giới thiệu của Linh (tức Hương) thì mình là con gái nhà "danh gia vọng tộc", có cụ là lãnh đạo cấp Tướng, ông làm tới Thứ trưởng, bố mẹ, cậu… đều làm ở Bộ Ngoại giao…
Tưởng gặp được một cô gái tử tế nên anh H. cũng không ngại ngần kể về thân thế và bản thân mình. Chính vì vậy, mỗi khi muốn "moi" tiền, Hương đều nại ra những lý do hết sức hợp lý như việc mình đang mở phòng tranh ở Singapore nhưng không muốn xin tiền bố mẹ vì muốn chứng tỏ khả năng của bản thân, "nhờ" anh H. gửi tiền.
Sau đó, "Linh" bịa ra việc mẹ, cụ và những người thân trong gia đình mình sinh nhật, cần phải tặng những món quà có giá trị để chứng tỏ là người con có hiếu khiến anh H. phải móc hầu bao mua quà gửi cho "Linh". Sau khi "cá đã cắn câu", "Linh" lại nói rằng vì gia đình mình "danh gia vọng tộc" nên khi biết "Linh" yêu thầy giáo, sợ con mình sau này khổ vì lương giáo viên ít ỏi nên gia đình cấm đoán, cắt mọi viện trợ, thu máy tính xách tay để gây sức ép, bắt "Linh" phải chia tay thầy giáo hoặc phải tự túc học hành.
Tưởng "Linh" bị gia đình bỏ rơi thật nên anh H. đã gửi tiền cho "Linh" để cô tiếp tục học hành. Không chỉ thế, trong vai "Linh", Hương còn cho rằng mình mới bị bạn trai bỏ rơi nên không tin tưởng đàn ông. Chính vì vậy, ngoài việc trao đổi qua điện thoại, chat và qua facebook, anh H. không bao giờ được gặp "Linh" ngoài đời. Khi anh H. tỏ ý nghi ngờ, "Linh" lại lu loa lên rằng anh không tin tưởng cô ta, anh H. giống người yêu cũ của cô ta và dọa cắt đứt quan hệ.
Điều này đã khiến anh H. "ngại" không muốn truy tiếp những nghi ngờ của mình. Anh H. cho biết thêm, sau khi bị Linh nhiều lần "mượn" tiền, anh đã nghi ngờ có việc mạo danh nên thử bằng cách gửi địa chỉ gmail và password của mình cho "Linh", nhờ tải hộ một số dữ liệu trong gmail mà anh không tải được.
Sau khi "Linh" thực hiện động tác trên, anh H. đã kiểm tra thông tin trong gmail của mình và phát hiện người vừa tải dữ liệu đang ở Việt Nam chứ không phải ở Pháp như "Linh" vẫn nói. Chính vì vậy, anh đã báo cáo với cơ quan công an và thực sự bất ngờ khi người lâu nay vẫn nói chuyện yêu đương, xây dựng hạnh phúc lâu dài với anh chính là cô sinh viên mà anh vẫn gặp hàng ngày.
Từ vụ án trên cho thấy, việc đối tượng phạm tội lợi dụng thư điện tử, nick chat, tài khoản trên facebook…của bị hại để thực hiện hành vi phạm tội khá dễ dàng. Có những trường hợp, đối tượng dùng nick chat của người khác để thực hiện hành vi cướp tài sản.
Điển hình là vụ đối tượng Nguyễn Hữu Việt, 20 tuổi và Bùi Quang Hiệp, 27 tuổi, đều ở huyện Đông Anh, Hà Nội đã lợi dụng nick chat của bạn gái tên là Phương lên mạng lừa tình. Qua chat, chúng gặp được anh Nguyễn Thế Hùng và rủ anh Hùng đi chơi. Tưởng thật, anh Hùng đến địa điểm "Phương" đã hẹn thì bị Việt và Hiệp bóp cổ rồi cướp chiếc xe máy, mang về huyện Đông Anh đặt lấy tiền tiêu xài.
Đặc biệt, việc một số đối tượng dùng thủ đoạn để ăn cắp mật khẩu sau đó vào mail, chat của bị hại để lừa tiền bạn của bị hại rất phổ biến. Nhất là trường hợp lừa đảo cào sim điện thoại, thẻ chơi games. Vì số tiền lừa đảo dạng này thường không nhiều, chỉ từ vài trăm đến vài triệu đồng nên các bị hại thường không trình báo với cơ quan Công an.
Điển hình như trường hợp của chị Nguyễn Hoài Vân ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Buổi sáng, vừa thấy chị đến cơ quan, một đồng nghiệp hết sức ngạc nhiên vì tối qua chat với chị, chị nói là đang ở tận Nghệ An, bị hết tiền điện thoại nhờ cào thẻ 300.000đ. Nghe nói thế, đến lượt chị Vân ngạc nhiên vì tối hôm qua chị không hề chat, cũng không nhờ cào thẻ điện thoại. Như vậy, đã có kẻ mạo danh chị để thực hiện việc lừa đảo. Chị Vân cũng không thể vào nick chat của mình nữa vì password đã bị thay đổi.
Những biện pháp cần phòng ngừa tránh bị thiệt hại
Được biết, nguyên nhân của việc đối tượng xấu ăn cắp  password email, nick chat, lấy trộm thông tin, tài liệu để thực hiện các hành vi phạm tội như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mạo danh bôi nhọ người khác là do chính bị hại  đặt mật khẩu của mình không chặt chẽ, thường lấy tên, họ hoặc tên người thân hoặc ngày tháng năm sinh của mình đặt mật khẩu nên dễ bị đối tượng dò được.
Một thủ đoạn khác của các đối tượng lừa đảo là thường gửi đính kèm vào các trang web đen đường dẫn có chứa virus bẻ khóa lấy dữ liệu, password, ghi lại ký tự của bàn phím… của khách hàng. Điển hình mới đây, nhiều khách hàng ngỡ tưởng sau khi truy nhập vào trang web do đối tượng gửi đến sẽ download được những hình ảnh đẹp.
 Thế nhưng, sau khi làm theo sự hướng dẫn trên trang web này, các khách hàng đã bị mất hết password nick chat, email  của mình. Bên cạnh đó còn có hình thức lừa đảo thông  qua bán hàng trên mạng. Thậm chí còn có hình thức giả danh một trang web của ngân hàng để yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin để lừa đảo.
Trung tá Ngô Minh An, Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an TP Hà Nội cho biết, đơn vị đã tiếp nhận nhiều đơn trình báo của các bị hại, trong đó có bị hại bị lừa từ người đang ở nước ngoài.
Được biết, Công an Hà Nội đã điều tra, xử lý nhiều trường hợp lợi dụng nick chat của người khác để thực hiện hành vi phạm tội như trường hợp Trần Đức Thiện, sinh viên Đại học FPT dùng tên và tài khoản của anh Nguyễn Chương Đỉnh, trú tại TP HCM để đăng tin trên trang web handheld.com.vn, lừa đảo 1 máy tính xách tay trị giá 23 triệu đồng…
Chính vì vậy, khi đặt password cho các tài khoản điện tử, mọi người nên tránh dùng những password là ngày sinh, tên người thân, cơ quan làm việc…Bên cạnh đó, người sử dụng nên ghi nhớ câu hỏi bí mật để khôi phục tài khoản nếu không may bị đối tượng xấu lấy được.
Khi sử dụng máy tính công cộng, mọi người không nên đồng ý để máy tính lưu lại mật khẩu và cần thoát ra ngay sau khi sử dụng. Đối với người quen, sau khi cho mật khẩu cũng cần kiểm soát việc giao dịch trên tài khoản của mình. Có như vậy, mới tránh được tình trạng bị đối tượng xấu lợi dụng tài khoản điện tử để thực hiện các hành vi phạm tội.
Nguồn: Internet

Thời gian gần đây rất nhiều thuê bao điện thoại nhận được tin nhắn trúng thưởng từ các ứng dụng di động nhắn tin miễn phí trên smartphone (ứng dụng OTT), nhiều người dùng đã bị lừa mất tiền.
Nhiều bạn đọc đã gọi điện về Tuổi Trẻ phản ảnh vấn đề này.
Bị lừa 100 triệu đồng/tháng
Theo ghi nhận của chúng tôi, người dùng ứng dụng Zalo do Công ty VNG cung cấp đang bị khủng bố tin nhắn lừa đảo nhiều nhất. Nội dung kiểu như: “Hệ thống Zalo: Chào bạn! Thay mặt cho bên Zalo, chúc mừng bạn đã nhận phần quà đặc biệt “SỰ KIỆN” Tuần Lộc Vàng gồm: 1 xe Liberty với 30 triệu đồng và mã dự thưởng: [02584]. Bạn cần LH hỗ trợ viên 01656990863 hoặc vào web http://eventvang.com/để cập nhật thông tin”. Nhiều người dùng ứng dụng Viber, Wala cũng nhận được tin nhắn từ các số lạ: “Xin chúc mừng tài khoản của bạn lọt vào tốp ba tài khoản nhận được quà may mắn trong sự kiện tháng. Click vào link xyz sau để biết thêm chi tiết”...
Người dùng Zalo mất tiền triệu vì bẫy lừa trúng thưởng xe Liberty
Các trang web lừa đảo nhận thưởng - Ảnh: Đ.T.

Điểm chung của các tin nhắn trên đều hướng dẫn người dùng truy cập vào một địa chỉ web và thực hiện các bước “đóng phí nhận thưởng” bằng thẻ cào điện thoại di động hoặc thẻ nạp tiền chơi game của VNG, FPT, VTC. Điển hình là trường hợp của bạn đọc N.V.T. (Trà Vinh) bị lừa gần 4,5 triệu đồng bởi tổ chức giả mạo nhân viên Công ty VNG. Cụ thể theo lời kể của N.V.T.: “Sau khi truy cập vào trang web theo yêu cầu thì có nội dung chúc mừng và yêu cầu nạp thẻ để tiếp tục. Ban đầu họ bảo nạp thẻ mệnh giá 100.000 đồng (tất cả các mạng và thẻ game).

Sau khi tôi nạp thẻ thì có một số điện thoại gọi đến xưng là nhân viên VNG xác nhận, rồi bảo tôi liên lạc với nhân viên này qua địa chỉ yahoo: phuonglinh_vinagame và được tư vấn thanh toán vận chuyển với số tiền 850.000 đồng. Tiếp theo tôi được yêu cầu liên hệ với anh Vũ số điện thoại 090278xxxx để được tư vấn thủ tục hồ sơ.
Sau khi tư vấn, anh Vũ yêu cầu tôi gọi sang số của anh Hoàng phòng kế toán 090560xxxx để hoàn thành phần còn lại. Tôi gọi anh Hoàng thì được yêu cầu phải đóng thêm phí hỗ trợ 5.000.000 đồng. Tôi nói không thể lo nổi thì anh tắt máy bảo họp hội đồng để hỗ trợ. Sau đó anh ta gọi lại bảo đã họp xong và quyết định hỗ trợ 30%, nghĩa là tôi cần thanh toán thêm 3.500.000 đồng (hình thức nạp thẻ không sử dụng tiền mặt). Sau khi thanh toán xong, anh ta gọi lại bảo để hoàn thành phần giải thưởng, thuê nhà báo... cần chuyển tiếp 7.000.000 đồng tiền thẻ nữa. Lúc này tôi mới biết mình bị lừa”.
Theo ghi nhận, nạn nhân bị lừa chủ yếu là người dùng ứng dụng Zalo và các dịch vụ khác (chủ yếu là các trò chơi) của Công ty VNG.
Theo bộ phận chăm sóc khách hàng Công ty VNG, trong tháng 8/2013, họ đã nhận được 689 phản ảnh từ khách hàng về hành vi lừa đảo trên các kênh trực tuyến. Tổng giá trị thiệt hại có thể quy đổi cụ thể thành tiền mặt qua các hình thức: lừa nạp thẻ điện thoại, thẻ game hoặc lừa tiền mặt là 100 triệu đồng. Trong đó, khách hàng bị lừa đảo nạp tiền nhiều nhất vào website www.shopquaVLCM.com với số tiền hơn 22 triệu đồng. Ngoài ra, khách hàng bị lừa đảo nạp tiền vào hàng loạt website như hackgame.vn; xuzing.net, khoqua.net... với số tiền trên dưới 3 triệu đồng. Theo phản ảnh của khách hàng, có hơn 60 website khả nghi.
“Ứng dụng OTT nào cũng bị”
Trao đổi với Tuổi Trẻ về tình trạng người dùng các ứng dụng OTT đang bị giăng bẫy lừa đảo, ông Nguyễn Thanh Hòa, giám đốc điều hành Công ty Wala - cung cấp dịch vụ Wala, thừa nhận “giờ ứng dụng OTT nào cũng bị”.
Nguyên nhân do người Việt Nam dùng các ứng dụng OTT ngày càng nhiều, bao nhiêu người dùng smartphone là bấy nhiêu người dùng OTT, ngoài ra “do những kẻ spam, lừa đảo tận dụng tối đa ưu thế miễn phí và dễ dàng tìm bạn của các ứng dụng này. Còn người dùng thì lúc nào cũng online nhờ kết nối 3G hoặc WiFi nên xác suất gửi thành công các tin nhắn rác, lừa đảo này đến người dùng cao không kém SMS mà lại không tốn phí gửi. Wala chúng tôi cũng đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật và đã hạn chế rất nhiều, nhưng vẫn chưa loại bỏ hoàn toàn được” - ông Hòa cho biết.
Về việc nhiều người dùng ứng dụng Zalo bị lừa, bà Đoàn Đỗ Ngọc Thi - trưởng phòng truyền thông Công ty VNG khẳng định: “Zalo hoàn toàn không có những chương trình khuyến mãi “thông báo trúng giải thưởng một xe máy và 30 triệu đồng, nếu muốn lĩnh giải thì cào và nạp thẻ vào số điện thoại nhắn tin này”.
Bà Thi cho biết VNG đã nhận được phản hồi của nhiều người dùng về tình trạng giăng bẫy lừa đảo. Qua phân tích, VNG nhận diện các đối tượng lừa đảo thường dùng công cụ “Yêu cầu kết bạn” của Zalo và đặt tên cho tài khoản của họ theo kiểu “Quan Tri Vien”, “Nhan Thuong”, “Ban Quan Tri” để gửi tin nhắn đến người dùng.
“Từ những thông tin khách hàng cung cấp, chúng tôi đã tổng hợp các trường hợp, thủ đoạn và những website lừa đảo thông báo đến các cơ quan chức năng, đồng thời liên tục cập nhật những trang giả mạo VNG đến khách hàng thông qua các website, trang chủ dịch vụ, sản phẩm của công ty. Chúng tôi cũng mong khách hàng tỉnh táo để nhận ra các tin nhắn lừa đảo, các website giả mạo các sản phẩm của VNG để lừa đảo” - bà Thi nói.
Chiếm đoạt tài khoản ngân hàng
Tìm hiểu về cơ chế lừa đảo của những kẻ xấu nấp sau các tin nhắn, chúng tôi đã thử truy cập vào website hosoxe.com theo hướng dẫn trong tin nhắn thông báo trúng thưởng. Giao diện xuất hiện với bảng chứng nhận “website nhận thưởng tri ân khách hàng mạng xã hội” kèm theo đó là thông báo tài khoản của bạn “được lựa chọn là chủ nhân giải thưởng một chiếc xe Air Blade + 20 triệu đồng kèm phiếu đổ xăng miễn phí một năm... (tổng trị giá giải thưởng lên đến 100 triệu đồng)”.


Ngay bên dưới, website yêu cầu người dùng cung cấp đầy đủ các thông tin cá nhân (cả địa chỉ cư trú, số điện thoại, email, số chứng minh nhân dân) và chọn màu xe cho có vẻ tin tưởng. Sau khi cập nhật thông tin cá nhân, người dùng sẽ phải làm hai thủ tục rất quan trọng để nhận thưởng là “thanh toán phí” và “rút phí đăng ký hồ sơ”. Trong phần thanh toán phí là hình thức để nhận xe bằng các loại thẻ cào điện thoại Viettel, MobiFone, Vinaphone hoặc thẻ thanh toán của FPT Gate, VTC Vcoin. Khách hàng nạp mã thẻ làm theo hướng dẫn sẽ “biếu không” tiền thẻ cho kẻ lừa đảo.
Nguồn: GDVN
"Ai ghé thăm Facebook của bạn" hoặc "Chúc mừng, bạn đã trúng thưởng iPhone" đang là những hình thức lừa đảo qua mạng phổ biến hiện nay. Bạn đã thực sự hiểu rõ "kĩ thuật lừa đảo qua mạng" (social engineering) và cách phòng tránh hay chưa?


Thế nào là "lừa đảo qua mạng"?

Lừa đảo qua mạng (thuật ngữ phổ biến trong tiếng Anh là Social Engineering) là tên gọi của một hình thức tấn công người dùng thông qua Internet. Khác với các hình thức tấn công bằng mã độc, các vụ tấn công "social engineering" sẽ không tập trung vào khai thác điểm yếu của phần cứng hay phần mềm. Thay vào đó, chúng sẽ tập trung khai thác tâm lý của nạn nhân.

Một trong những hình thức lừa đảo qua mạng khá phổ biến là "phishing" (lừa đảo giả dạng). Với hình thức lừa đảo này, hacker sẽ gửi các email giả dạng làm ngân hàng, dịch vụ mà bạn đang sử dụng, hoặc giả dạng làm một tổ chức đáng tin cậy khác. Trong email lừa đảo, chúng sẽ yêu cầu bạn cung cấp thông tin cá nhân, hoặc khuyến cáo bạn click vào một đường dẫn tới địa chỉ web chứa mã độc.

Lừa đảo qua mạng sẽ gây tác hại gì?

Do người dùng thường xuyên sử dụng cùng một tên tài khoản và mật khẩu trên nhiều dịch vụ trực tuyến khác nhau, việc để lộ tên tài khoản và mật khẩu trên một dịch vụ có thể khiến bạn mất quyền kiểm soát đối với tất cả các tài khoản số của mình, ví dụ như tài khoản ngân hàng trực tuyến, tài khoản Facebook, Yahoo, Gmail, Apple ID hoặc Dropbox. Việc để lộ số thẻ tín dụng hoặc tài khoản ngân hàng trực tuyến sẽ gây thiệt hại tài chính trực tiếp, trong khi để lộ các tài khoản dịch vụ cá nhân có thể gây ra nhiều tổn hại khó lường trước.

Tại Việt Nam, kẻ lừa đảo qua mạng thường lừa người dùng nhắn tin đăng ký tham gia một dịch vụ SMS đắt tiền, hoặc lừa nạp tiền vào số điện thoại của chúng.

Nói tóm lại, lừa đảo qua mạng cũng không hề khác biệt so với các vụ lừa đảo ngoài đời thực: kẻ xấu sẽ lợi dụng tâm lý sơ hở và sự thiếu hiểu biết của nạn nhân để thu lời bất chính. Trong khi kẻ lừa đảo ngoài đời thực sẽ lừa lấy tiền và tài sản của bạn, những kẻ lừa đảo qua mạng sẽ lấy cả tài sản và thông tin cá nhân của bạn, đe dọa tới cả kinh tế, đời tư và sự an toàn của bạn.

Những ví dụ về kĩ thuật lừa đảo qua mạng điển hình tại Việt Nam

1. Giả danh làm quản trị của game, dịch vụ, ngân hàng…

Đây là một trong những hình thức lừa đảo phổ biến nhất trên các dịch vụ trực tuyến và game online. Kẻ xấu sẽ tạo các tài khoản/địa chỉ email lừa đảo có những từ khóa dễ lừa người dùng như "admin", "mod", "quantri" hoặc tên của công ty cung cấp dịch vụ/game. Chúng sẽ gửi cho bạn các tin nhắn hoặc email có tựa đề dạng như "Cảnh báo: Có người đã hack vào tài khoản của bạn" hay "Hãy xác nhận vừa thay đổi mật khẩu". Các email lừa đảo này sẽ yêu cầu bạn cung cấp tên tài khoản và mật khẩu xác thực để lấy lại tài khoản. Hiển nhiên, khi trả lời và cung cấp thông tin cá nhân, bạn sẽ để mất tài khoản của mình.

Thay vì sử dụng tên của người dùng, ví dụ như "Dear Le Hoang", kẻ lừa đảo sẽ dùng cụm từ chung chung "Dear Paypal member" ("Gửi thành viên PayPal") bởi chúng không có các thông tin xác thực về nạn nhân đang định tấn công.

Tinh vi hơn, kẻ lừa đảo có thể không yêu cầu bạn cung cấp mật khẩu mà chỉ cung cấp câu trả lời đối với các câu hỏi được dùng để lấy lại tài khoản, ví dụ như "Tên người chú bạn yêu quí nhất là gì?" hoặc "Nêu tên vật nuôi đầu tiên của bạn". Nếu đã có đủ thông tin cá nhân của bạn, kẻ xấu sẽ tự liên hệ với dịch vụ trực tuyến, game online, tạo yêu cầu hồi phục mật khẩu và sử dụng các thông tin cá nhân để xác nhận yêu cầu hồi phục mật khẩu. Sau đó, mật khẩu sẽ bị thay đổi và tài khoản của bạn sẽ rơi vào tay kẻ xấu.

2. Tạo trang web giả

Với hình thức lừa đảo này, kẻ xấu sẽ tạo ra trang web giả dạng làm một dịch vụ mà bạn đang sử dụng. Mục tiêu của chúng cũng là để lấy cắp thông tin cá nhân (bao gồm cả tài khoản ngân hàng và số thẻ) và lừa bạn nạp tiền qua thẻ điện thoại.

Ví dụ, trang web trong hình trên mạo danh làm một nhà cung cấp game online lớn tại Việt Nam. Trên trang web này, kẻ gian sẽ yêu cầu bạn đăng nhập bằng tài khoản game online của mình. Hiển nhiên, bước xác thực này hoàn toàn là lừa đảo: với bất kì tên tài khoản và mật khẩu nào mà bạn nghĩ ra, trang web này cũng sẽ xác nhận đăng nhập thành công. Nguy hiểm hơn, nếu bạn đăng nhập bằng tài khoản Garena, bạn sẽ "biếu" thông tin đăng nhập của mình cho kẻ xấu.

Sau đó, trang web xấu này thậm chí còn yêu cầu bạn nạp thẻ, nhắn tin để xác nhận. Trong những năm vừa qua, trên Internet cũng đã xuất hiện rất nhiều trang web nạp thẻ điện thoại giả, ví dụ như trang web dưới đây:
Hiển nhiên, khi làm theo các "mẹo" có vẻ rất hấp dẫn này, bạn sẽ đem "tặng" thẻ nạp của mình cho kẻ xấu.

3. "Ai quan tâm đến bạn", "Cách tạo nút dislike", "Cách đổi tên quá 5 lần"… trên Facebook

Do Facebook có những giới hạn khá rõ ràng về tính năng, gần đây nhiều đối tượng đã lừa người dùng chạy Javascript trên trình duyệt để có được những tính năng mà Facebook chắc chắn sẽ không bao giờ cung cấp, ví dụ như theo dõi ai là người vừa ghé thăm trang cá nhân của bạn.

Với hình thức lừa đảo này, kẻ xấu sẽ đưa ra một bài hướng dẫn yêu cầu người dùng copy và paste một đoạn Javascript vào thanh địa chỉ hoặc console debug của trình duyệt (xem hình trên). Các đoạn mã Javascript này sẽ tag bạn bè của bạn vào một bức ảnh, mời bạn bè của bạn tham gia các sự kiện (Event) trên Facebook, mời họ thích các trang Fanpage, hoặc thêm họ vào một số nhóm (Group) trên Facebook.

Mục đích cuối cùng của kẻ xấu là tạo ra các fanpage và các nhóm (group) có lượng người tham gia đông đảo. Sau đó, các fanpage và group này sẽ được đổi tên, hoặc chuyển sang làm các hình thức quảng bá "miễn phí", trong đó cái giá duy nhất phải trả là sự khó chịu của người dùng Facebook. Hiển nhiên, bạn sẽ chẳng thể biết được ai là người vừa ghé thăm trang cá nhân của bạn, và cũng không thể có nút dislike hay đổi tên thêm lần nữa.

4. Các câu bình luận lừa đảo nạp thẻ trên Facebook, diễn đàn mạng…

Hình thức lừa đảo này khá phổ biến trên Facebook và các diễn đàn bắt đầu rộ lên vào khoảng giữa năm 2013. Kẻ xấu sẽ nói về một "lỗi" hệ thống trên máy chủ của các nhà mạng, sau đó khuyến cáo người dùng nạp thẻ vào một dãy số lạ, được gọi là "số server bị hack" nhưng thực chất lại là số điện thoại của kẻ lừa đảo.

Nhìn chung, cách lừa đảo này đánh vào lòng tham của người dùng, và do người dùng sẽ chẳng có cách nào để xác thực các thông tin mà chúng tuyên bố, họ sẽ mất tiền oan mới có thể nhận ra sai lầm của mình.

5. Thông báo "giả" trên trang web

Hình thức lừa đảo này có từ những ngày đầu của Internet. Trước đây, các trang web xấu sẽ hiển thị các ô thông báo giả dạng làm cửa sổ Windows. Các ô thông báo giả này sẽ tuyên bố rằng Windows của bạn bị nhiễm virus, bị lỗi… Khi bạn click vào các ô thông báo giả này, bạn sẽ được dẫn tới một trang web có chứa phần mềm "quét virus" hoặc "sửa lỗi". Chính các phần mềm này mới là mã độc có thể làm tê liệt Windows của bạn và đánh cắp các thông tin cá nhân (keylog) hoặc biến máy của bạn thành "bot" để DDoS.

Tương tự như vậy, các thông báo dạng như "Bạn đã trúng thưởng iPhone" hoặc "Người truy cập thứ 100.000 sẽ được nhận 100.000 USD" sẽ lừa bạn tải về mã độc, lừa bạn nhắn tin mất phí hoặc lừa bạn cung cấp các thông tin mật.
Một hình thức lừa đảo tương tự là đường dẫn "giả". Ví dụ, một đường dẫn được hiển thị là www.trangwebxacthuc.com thực chất lại được chèn địa chỉ www.trangwebluadao.com, hoặc tinh vi hơn là www.trangwebxacthuc01.com hoặc www.trangwebxacthuc.trangwebluadao.com (một tên miền của trangwebluadao.com; hoàn toàn không có liên hệ gì với trangwebxacthuc.com).

6. Giả dạng Facebook

Một tình trạng tương đối phổ biến trên Facebook tại Việt Nam là mỗi ca sĩ, người nổi tiếng sẽ có rất nhiều trang Facebook giả, dưới cả 2 hình thức tài khoản Facebook người dùng thông thường và fanpage (trang hâm mộ). Những kẻ giả mạo trang cá nhân/fanpage của người nổi tiếng sẽ sử dụng kênh này để quảng cáo miễn phí. Nguy hiểm hơn, chúng có thể mạo danh người nổi tiếng để thực hiện các hành vi lừa đảo hoặc thậm chí là hẹn gặp ngoài đời thực và tấn công nạn nhân.

Các trang fanpage được xác nhận "chính chủ" sẽ có dấu tick màu xanh bên cạnh, song với số lượng fanpage nhiều như hiện nay, có tới hàng trăm nghìn người tham gia vào các trang fanpage giả của ca sĩ Minh Hằng.

Một hình thức lừa đảo qua Facebook phổ biến khác là tạo fanpage dạng "Tặng MacBook Air bị lỗi của Apple". Với hình thức lừa đảo này, kẻ xấu sẽ lợi dụng lòng tham và sự nhẹ dạ của người dùng để thu thập các thông tin cá nhân của họ. Thật may mắn, sau khi truyền thông lên tiếng về dạng lừa đảo này, chúng đã gần như biến mất hoàn toàn.

Cách phòng tránh lừa đảo qua mạng

Như đã phân tích ở đầu bài viết, kĩ thuật lừa đảo qua mạng (social engineering) là một hình thức tấn công hoàn toàn nhằm vào sơ hở của người dùng. Do đó, bạn sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc chống lại các hình thức tấn công này.

Một số nguyên tắc căn bản để tránh bị lừa đảo qua mạng là như sau:

- Tuyệt đối không bao giờ gửi tên tài khoản, mật khẩu, số thẻ tín dụng, số tài khoản ngân hàng và các thông tin cá nhân qua email, Skype, Facebook Messenger, tin nhắn hay các dịch vụ chat trong bất kì một trường hợp nào.

- Lưu ý tới các địa chỉ web, email chính thức và số điện thoại xác thực của ngân hàng, dịch vụ mà bạn đang sử dụng. Ví dụ, tại trụ sở của ngân hàng mà bạn đang sử dụng, hãy cầm về một tờ rơi có ghi địa chỉ web, số điện thoại và email chính thức của ngân hàng này.

Khi bị một số điện thoại hoặc email "lạ" yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân, hãy liên hệ lại với các địa chỉ xác thực trên và yêu cầu xác nhận.

- Để ý tới đường dẫn trong email, trên các diễn đàn, trang web. Các trang web lừa đảo có thể có tên rất giống với trang web xác thực, do đó bạn phải chú ý rất kĩ tới địa chỉ đường dẫn trên các trang web hoặc email từ địa chỉ lạ. Khi bạn di chuột lên phía trên các đường dẫn web (chưa click), Firefox và Chrome cũng sẽ hiển thị địa chỉ thực của đường dẫn ở góc dưới màn hình. Đây là cách xác thực đường dẫn chính xác nhất.

Nhìn chung, cách xử lý cẩn thận nhất là tuyệt đối không click vào các đường dẫn quan trọng được gửi qua email hoặc qua Skype, Yahoo, nhất là khi nội dung của email và tin nhắn có liên quan tới thông tin tài khoản của bạn. Nếu bạn cần đặt lại mật khẩu cho tài khoản ngân hàng, hãy truy cập vào địa chỉ chính thức của ngân hàng đó và thực hiện các bước xác thực thông thường, thay vì click vào đường dẫn đáng ngờ trong email.

- Luôn cập nhật trình duyệt và ứng dụng chống virus lên bản mới nhất. Các trình duyệt và phần mềm chống virus thường có tính năng "bộ lọc" ngăn người dùng truy cập vào các trang web đã bị xác nhận là web độc hoặc không xác thực.

Suy nghĩ tỉnh táo: Liều thuốc hiệu quả chống lại lừa đảo qua mạng

Với hình thức lừa đảo qua mạng, người dùng sẽ là mắt xích yếu nhất trong hệ thống bảo mật. Không một phần mềm bảo mật nào có thể bảo vệ người dùng trong 100% các trường hợp nếu như họ quá nhẹ dạ và cả tin.

Bởi vậy, trước khi cung cấp thông tin cá nhân, trước khi nhắn tin hoặc sử dụng số thẻ nạp trên mạng, hãy thử suy nghĩ một cách tỉnh táo. Nếu Garena thực sự muốn tặng quà cho bạn, tại sao họ không công bố trên trang chủ của mình mà lại dùng tới một trang web xa lạ? Nếu Viettel muốn khuyến mại cho người dùng, tại sao họ không thông báo qua đường SMS mà lại cung cấp một cổng nạp thẻ không hề thuộc về các tên miền chính thức của Viettel? Nếu Facebook thực sự đã ra mắt nút Dislike, tại sao không một nguồn tin công nghệ uy tín nào thông báo về tính năng này?

"Kĩ thuật lừa đảo qua mạng" thực sự là một vấn nạn mới của Internet, trong bối cảnh mà gần như tất cả các loại mã độc đều được viết ra bởi tội phạm số để thu lời bất chính. Điều này không có nghĩa rằng bạn sẽ trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo này một cách dễ dàng. Hãy là một công dân mạng thông minh, tỉnh táo và cẩn thận: đây mới là "tường lửa" an toàn nhất bảo vệ cho tài sản và danh tính của bạn.
Nguồn: Internet
Đầu năm 2015 liên tục là trên các trang báo và mạng xã hội đưa tin về việc ngày càng nhiều tin nhắn rác lửa đảo trên mạng xã hội Zalo khiến rất nhiều người dùng Zalo than phiền vì sự việc rất nguy hiểm này


Hãy cảnh giác với chiêu lừa đảo trắng trợn qua Zalo

1. Lừa đảo trúng thưởng qua Zalo, Viber…

Việc xuất hiện các “công ty ma” lừa đảo trúng thưởng qua các phần mềm OTT như Zalo Android, Viber, Beetalk cũng nở rộ. Phần lớn tin nhắn lừa đảo thông qua các phần mềm ứng dụng có nội dung, người dùng đã trở thành khách hàng may mắn trúng thưởng một phần quà rất có giá trị, để nhận thưởng bạn cần truy cập vào website gửi kèm trong tin nhắn và nhập thông tin.
canh giac voi chieu lua dao qua zalo nam 2015

Lừa đảo trúng thưởng qua Zalo


Sau khi nhập thông tin trang web tự động chuyển tới phần thông báo cho biết cần phải chuyển một khoản tiền nhất định để làm chi phí hồ sơ thông qua kênh thanh toán rất thiếu chuyên nghiệp là... thẻ cào điện thoại.
Tại ứng dụng Zalo, không ít khách hàng nhận được tin nhắn thông báo đã trúng giải nhất của chương trình “Zalo - nhắn lời yêu thương” trị giá giải thưởng là 1 chiếc xe máy Liberty và số tiền mặt là 50 triệu đồng. Tuy nhiên, khi nạp tiền làm “thủ tục” thì phát hiện ra mình bị lừa.

2. Hack nick zalo, nhờ bạn bè nạp thẻ điện thoại

Không ít người ăn "quả lừa" khi nhận được tin nhắn trên zalo apk của bạn bè về việc nhờ nạp thẻ điện thoại. Sau khi mua thẻ, nhắn số thẻ cho "bạn" xong thì mới tá hỏa là tài khoản zalo của bạn mình bị kẻ xấu chiếm đoạt và lợi dụng kiếm tiền.
Nhiều người biết trước chiêu trò lừa đảo bằng việc hack nick zalo nên đã "trêu ngươi" lại kẻ lừa đảo.
cach giac voi chieu lua dao qua zalo nam 2015

Hack nick Zalo nhờ nạp thẻ


Trong khoảng thời gian đầu, rất nhiều người đã bị lừa từ chiêu này. Tuy nhiên, sau khi “dính phốt”, các bạn trẻ không chỉ rút kinh nghiệm cho bản thân mà còn cảnh báo cho bạn bè, người thân để tránh được chiêu lừa này.
Bạn Mai Lĩnh (Hà Nội) chia sẻ: “Có một lần mình cũng được một nick zalo hỏi thăm và nhờ nạp thẻ. Trước đó mình nghe bạn bè kể về mấy cái chiêu lừa này rồi nên đã “đùa” lại kẻ xấu bằng cách đọc một cái mã thẻ điện thoại đã dùng. Tên lừa đảo đó không biết ngại mà còn trơ trẽn, mắng chửi lại mình”.
Hiện các hình thức lừa đảo vặt qua mạng trên ngày càng trở nên phổ biến. Vì vậy, những người sử dụng mạng xã hội hay các phương tiện liên lạc như điện thoại smartphone cần tỉnh táo để tự bảo vệ mình, tránh rơi vào bẫy mà những kẻ lừa đảo lợi dụng lòng tin để đặt ra.
Nguồn: Internet

Mua sắm qua mạng đã là hình thức phổ biến hiện nay, tuy nhiên nếu không cẩn thận người tiêu dùng rất dễ dàng bị lừa đảo, lợi dụng. Chiêu trò của các cá nhân, doanh nghiệp làm ăn phi pháp, chộp giật đó là gì?
Các kiểu lừa đảo bán hàng qua mạng
Từ khi thương mại điện tử phát triển, đi cùng những tiện lợi mà hình thức này mang lại, những bất cập từ đó cũng nhiều không kém. Không chỉ khó khăn cho người mua trong việc xem xét, lựa chọn sản phẩm trước khi mua, điều khiến rất nhiều người e sợ hình thức này chính là vì khả năng bị lợi dụng lừa đảo, chộp giật cao hơn so với hình thức mua bán thông thường.
Thường thấy nhất vẫn là kiểu lừa bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cho người tiêu dùng. Các sản phẩm thường hay bị lừa kiểu này thường là những sản phẩm được rao là “hàng xách tay” như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, điện thoại di động… Người mua thấy các sản phẩm được “cam kết” về chất lượng, giá lại chỉ bằng hai phần ba, thậm chí là một nửa so với nơi khác nên quyết định mua rất nhanh. Đến khi nhận hàng mới phát hiện ra thì đã quá muộn.
Nhiều người bán hàng online còn có những chiêu giật tiền của khách hàng vô cùng tinh vi, kín kẽ. Chiêu lừa đảo cơ bản nhất là người bán yêu cầu người mua chuyển tiền trước rồi mới chuyển hàng sau. Để lấy được tiền của khách hàng, những người bán này thường giảm giá sản phẩm ở mức rất sốc, rồi giục người mua chuyển khoản trước để giữ hàng, nếu không sẽ không mua được giá đó. Thậm chí, chúng còn cử đồng bọn giả làm nhân viên dịch vụ giao hàng, gọi cho khách hàng xác nhận địa chỉ và thời gian giao hàng. Người mua thấy sản phẩm của mình sắp được giao, giá lại rẻ, sợ chậm chân sẽ mất món hời nên người mua đành vội vàng chuyển tiền và rồi đợi mòn mỏi mà không nhận được hàng.
Tinh vi hơn là kiểu lừa đảo “hai mang”, lợi dụng các shop bán hàng thật để chiếm đoạt tài sản. Những kẻ lừa đảo sẽ giả dạng một shop bán hàng có thật, có uy tín trên thị trường và giả làm nhân viên bán hàng ở đó (bằng cách lập website giả hoặc facebook giả…) để liên hệ với khách hàng. Khi khách hàng chọn mua được sản phẩm tại shop thật, kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu khách hàng chuyển tiền và cung cấp thông tin cho mình (như mã đơn hàng, mã giao dịch chuyển tiền, thông tin người nhận hàng…). Có thông tin trong tay, kẻ gian liền tới shop thật, mạo danh là khách hàng đã chuyển tiền, lấy hàng và “mất tích”, người mua đợi không thấy giao hàng, đến lúc hỏi ra thì đã không thể tìm được kẻ mạo danh.
bán-hàng-qua-mạng
Người mua nên đọc kỹ thông tin doanh nghiệp bán, lưu ý phải có biểu tượng “Đã đăng ký với bộ công thương”, để tránh bị kẻ mạo danh lợi dụng

Chính vì muôn kiểu lừa đảo đó, người mua ngày càng trở nên cảnh giác, giảm niềm tin vào hình thức bán hàng online.
Uy tín là vấn đề sống còn
Để tồn tại và phát triển lâu dài, bền vững trong lĩnh vực TMĐT tại Việt Nam, các doanh nghiệp chỉ còn cách coi Uy tín kinh doanh là vấn đề sống còn được đặt lên hàng đầu. Doanh nghiệp gây dựng được uy tín sẽ như có được tấm giấy thông hành trong kinh doanh.
Nguồn: Internet

 Tưởng chừng hình thức kinh doanh lừa dối khách hàng của các công ty đa cấp đã hoàn toàn sụp đổ, không ngờ, hình thức "mua bán niềm tin" này vẫn tồn tại...
Một loạt bài đăng bóc mẽ các chiêu lừa đảo của công ty đa cấp New One, rất nhiều độc giả đã gọi điện đến số điện thoại. Đường dây nóng của báo để tố cáo về việc Công ty cổ phần liên kết Tri thức (công ty K-Link Việt Nam, sau đây gọi tắt là K-Link) đã quảng cáo sai sự thực về chất lượng sản phẩm của công ty này, với mong muốn sẽ không còn ai phải tiêu tốn thời gian, tiền của vào những sản phẩm vô bổ của công ty này như họ. Nhận được thông tin, phóng viên báo Đời sống và Pháp luật đã vào cuộc xác minh, tìm hiểu.
Khi khách hàng lên tiếng
Theo đó, thời gian gần đây, Đường dây nóng báo Đời sống và Pháp luật liên tục nhận được điện thoại từ khắp nơi gọi về phản ánh sản phẩm của công ty K-Link không hề có tác dụng như đã và vẫn đang quảng cáo.
Anh Dũng (Vĩnh Hưng, Hà Nội) tỏ ra rất bức xúc: "Không hiểu, tôi bị bỏ bùa mê thuốc lú thế nào mà nhất định mua ba sản phẩm về nhà sử dụng. Đến khi được bác sỹ khuyến cáo, sản phẩm không có tác dụng cho sức khỏe, tôi đem trả lại thì bị chị Oanh, người hướng dẫn mua hàng nói những lời khó nghe. Vừa mất tiền mua sản phẩm không có tác dụng lại gặp thái độ "trở mặt" nên tôi phải nói ra tất cả để mọi người cảnh giác".
Qua mối quan hệ mới quen, anh Dũng tình cờ được giới thiệu tới cuộc hội thảo của công ty K-Link với rất đông người tham dự. Hội trường tầng 2 của công ty này tại số 100 phố Ngụy Như Kon Tum, quận Thanh Xuân, Hà Nội hầu như không còn ghế trống. Sau khi nghe buổi "thuyết giảng" của giáo viên tên Nam, và người tự xưng là Giáo sư ở bệnh viện 103, Hà Nội, anh Dũng bị cuốn hút vào mê trận chất lượng sản phẩm.
Kèm theo đó là những lời tư vấn như rót mật vào tai của một nhóm thành viên gồm Oanh, Hạnh, Nguyệt, Tâm về những tác dụng thần kỳ của sản phẩm K-Link. Từ lâu, anh Dũng đã luôn mặc cảm với cái bụng to "vượt mặt" nên khi được giới thiệu "chỉ cần dùng sản phẩm từ 3-5 ngày là bụng sẽ xẹp ngay tức thì", nên sau buổi hội thảo anh Dũng đã không ngần ngại bỏ gần 2 triệu đồng mua ba hộp sản phẩm gồm 1 chai nước diệp lục K-Liquid ChlorophyII, 1 hộp K-Aiulax, 1 hộp K-Biogreen. Ngoài tác dụng thon gọn bụng, các sản phẩm này được quảng cáo giúp tránh mọi bệnh tật?!
Thế nhưng, khi mang sản phẩm về nhà dùng và bị các con lên án, anh đã mạnh dạn đến hỏi bác sỹ và "ngã ngửa" với suy nghĩ mình bị lừa. Đáng bực mình hơn, trước khi mua sản phẩm, thành viên bảo trợ đã cam kết sản phẩm nếu còn nguyên đai nguyên kiện sẽ được đổi trả trong 30 ngày với mức phí là 10% giá mua.
Tuy nhiên, khi anh Dũng mang trả lại hai hộp sản phẩm còn nguyên tem thì chị Oanh đã quay ngược thái độ khiến anh phải lên tiếng.
Cũng tương tự trường hợp anh Dũng, chị Hằng (khu biệt thự Tây Hồ, Hà Nội) lên án gay gắt vì những quảng cáo không đúng tác dụng thực tế của K-Link khiến không chỉ chị mà nhiều thành viên khác trong đại gia đình chị bị "móc túi" một cách trắng trợn theo kiểu "đa cấp"- thêm thành viên thêm ưu đãi.
Còn anh Quang (Bắc Ninh) khẳng định: "Nhiều lần đến công ty và tham gia các lớp hội thảo, tôi thấy người các tỉnh về đây mua sản phẩm rất nhiều. Tôi cũng "bập" ngay vào và thời điểm đó, tôi không quan tâm đến lời khuyên của người khác. Thế nhưng, sau nửa năm sử dụng, tốn hàng chục triệu đồng mà không thấy tác dụng thực tế, tôi thấy mình cần phải lên tiếng để giúp những người khác không bị mắc lừa". 
Một thành viên cấp cao người Hải Dương đang chuyển hàng K-Link về địa phương  để bán.
Thâm nhập "ma trận sức khỏe"
Trước sự bức xúc của dư luận, PV báo Đời sống và Pháp luật đã tìm đến địa chỉ công ty K-Link nói trên. Theo lời anh Dũng: “Chỉ cần đến gần khu vực công ty và ngồi vạ vật ở quán nước thôi, đội ngũ “cò” sẵn sàng dẫn lối chỉ đường, đưa em vào “thiên đường sức khỏe”.
Quả thật, khi mới bước vào công ty, PV đã cố tình chọn cho mình một chỗ ngồi khiêm tốn ở góc phòng để quan sát và tác nghiệp. Nhưng PV chưa kịp lên phương án thì một phụ nữ đã chủ động hỏi: "Em mới đến à? Em muốn mua sản phẩm gì? Đã là thành viên chưa?...". Khi tôi chưa kịp trả lời chị này đã ra vẻ hiểu ý và quay sang người phụ nữ tên Thu ngồi bên cạnh: "Người mới này chị". Vậy là "gà" đã chuẩn bị vào chuồng.
Chị Thu cũng đặt nhiều câu hỏi với PV nhưng khác người phụ nữ ban đầu, chị hỏi từng câu một và chăm chú vào mỗi câu trả lời. "Em tên gì? Quê ở đâu? Em là sinh viên năm thứ mấy? Đã đi làm thêm công việc gì chưa?...". Cứ như vậy, chị dẫn dắt PV đến một phương châm: "Người ta làm cả đời để kiếm tiền sống, còn thành viên K-Link chỉ cần kiếm tiền 5-10 năm để sống cả đời".
Vẻ mặt ngơ ngác của PV lúc này dường như rất kích thích các thành viên của K-Link "chăn dắt". Không chỉ chị Thu mà một số người đang túm tụm buôn chuyện phía xa đều lại gần và vây quanh PV. Chị Vân cao hứng chen ngang lời chị Thu: "Sản phẩm của công ty K-Link rất đa dạng, phong phú, phù hợp với mọi đối tượng khách hàng từ người già đến trẻ nhỏ, từ đứa trẻ mới ra đời cần lớn lên làm người có ích đến người già nằm liệt giường chỉ chờ về với tổ tiên cũng có thể kéo dài thêm sự sống. Tác dụng của sản phẩm K-Link là vô biên, thị trường của K-Link là 100%, không bao giờ lo ngại bị hạn chế. Chỉ duy nhất ở công ty K-Link, các thành viên gia nhập không mất bất cứ khoản phí nào. Khi là thành viên thì có nhiều quyền lợi, được quyền bảo trợ cho người khác, có cơ hội kiếm tiền từ 40-50 triệu đồng/một tháng, thậm chí là cao hơn rất nhiều, có cơ hội đi nước ngoài miễn phí thường xuyên".
Để xóa bỏ những nghi ngại của người mới là PV, chị Vân dẫn ra một vài ví dụ. Bản thân chị trước đây đã làm nhân viên kinh doanh cho một công ty chuyên thiết bị nhà bếp với mức lương gần 20 triệu đồng/một tháng. Nhưng khi được một người bạn khác bảo trợ và lôi kéo, chị đã chuyển hẳn sang làm cho công ty K-Link mà không e ngại. "Như thế, em đủ hiểu mức thu nhập của chị hiện nay là như thế nào", chị Vân nói. Ngoài ra, một giáo viên người Nghệ An đã từng nói dối phải đi chữa bệnh lâu dài để xin nghỉ dạy ở trường, học các lớp đào tạo của K-Link tại Hà Nội. Bây giờ, người giáo viên đã bỏ nghề và chuyển hẳn sang làm K-Link ở Nghệ An với thu nhập một tháng bằng lương một năm cộng lại khi còn là giáo viên (theo lời của chị Vân khẳng định thì cô giáo này trước đây thu nhập các khoản chừng 10 triệu đồng/một tháng-PV). Cứ như thế, các thành viên cấp cao của K-Link mời PV tham dự các buổi hội thảo qua một tờ lịch sinh hoạt cả tháng của công ty và nói: "Em mới đến tìm hiểu chỉ nên nghe vậy thôi, đừng tham nhiều thông tin, các chị cũng không nói hết trong một buổi, vì như thế sẽ loãng. Hẹn em vào các buổi hội thảo tiếp theo".
Qua tìm hiểu, được biết, hình thức kinh doanh đa cấp của K-Link đã vào Việt Nam được bảy năm. Thủ tục làm thành viên của công ty rất đơn giản, chỉ cần một chứng minh thư phô tô và hai ảnh 3x4 là có thể ký một hợp đồng xác nhận thành viên dưới sự bảo trợ của một thành viên cấp cao hơn. Công ty này có trụ sở chính ở Malaysia, nhưng sản phẩm không phải do họ sản xuất mà từ việc tìm kiếm các công trình nghiên cứu khoa học trên thế giới để ký trực tiếp độc quyền phân phối trên thế giới. Hiện tại ở Việt Nam, công ty này phân phối khoảng hơn 30 sản phẩm.

Như vậy, sau rất nhiều sự sụp đổ vì lừa dối khách hàng của các công ty kinh doanh theo mô hình đa cấp như MB24, Thiên Ngọc Minh Uy..., thì nay, hình thức "mua bán niềm tin" này vẫn tồn tại, thậm chí nở rộ ở K-Link. Hơn nữa, nhiều sản phẩm được bán chưa được kiểm nghiệm về chất lượng là một cái bẫy rất nguy hiểm với khách hàng. Ngoài việc tự bảo vệ mình, không cho kẻ xấu lợi dụng, người tiêu dùng đang chờ đợi sự lên tiếng của cơ quan chức năng để không bị vướng vào "ma trận" sản phẩm bán hàng đa cấp. Chúng tôi sẽ chờ đợi sự phản hồi từ phía công ty K-Link để giải đáp  bức xúc của những độc giả đã tin tưởng báo Đời sống và Pháp luật trong thời gian qua.
Nguồn: Internet

Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2015

Giá sản phẩm do công ty đưa ra luôn cao hơn rất nhiều so với giá ngoài thị trường nên hầu như các sản phẩm đều rất khó bán, các sinh viên trót sa chân vào doanh nghiệp bán hàng đa cấp chỉ có việc đi thuyết phục những sinh viên mới tham gia vào vòng xoáy bán hàng đa cấp mà mình đã trót tham gia.
Được làm việc trong môi trường năng động, học hỏi được nhiều kinh nghiệm, bên cạnh đó công ty thường xuyên tổ chức các lớp rèn luyện kỹ năng cho nhân viên. Mức thu nhập hấp dẫn hàng chục triệu đồng mỗi tháng, cùng những lời quảng cáo "có cánh" từ các nhà tuyển dụng "ma" đã khiến nhiều sinh viên bị sập bẫy vào các mạng lưới bán hàng đa cấp.
Biến tướng từ bán hàng đa cấp
Trên các trang web raovat, vatgia… liên tục đăng các thông tin tuyển hàng trăm nhân viên nạp tiền điện thoại, với mức 1,8 triệu đồng/tháng. Thời gian làm việc khoảng 3 giờ đồng hồ vào buổi tối tại công ty. Ưu tiên cho các ứng viên có người giới thiệu và được hẹn trước để phỏng vấn.
Những điều kiện từ các nhà tuyển dụng "ma" đưa ra khá phù hợp với điều kiện của sinh viên làm hàng trăm sinh viên bị lừa khi đi xin việc làm. Theo tìm hiểu, các thông tin tuyển dụng đều xuất phát từ các thành viên thuộc mạng lưới tuyển dụng nhân viên nạp card của Công ty K.M. (có trụ sở nằm trên đường Bạch Đằng, quận Tân Bình). Để được nhận vào làm sinh viên chỉ cần đóng 100 ngàn tiền học phí học việc trong 4 ngày, trong đó bao gồm tiền mua sim kích hoạt dùng để nạp tiền điện thoại. Qua khóa đào tạo "cấp tốc", sinh viên sẽ được chính thức nhận vào làm.
Để nhận được 1,8 triệu đồng tiền lương, sinh viên phải tuyển được 30 thành viên mới và mỗi thành viên trong mạng lưới phải nạp được 1 triệu tiền card điện thoại cho khách hàng. Nếu 1 trong số 30 thành viên do mình quản lý nghỉ việc thì hoặc không đủ hoặc không đạt yêu cầu. Thực tế, đây cũng là một trò lừa đảo việc làm, thu phí dưới hình thức sinh viên đóng tiền mua sim đa năng và làm không công cho các nhà tuyển dụng "ma".
Kết quả hình ảnh cho lừa đảo bán hàng đa cấp
Nguyễn Trọng Nghĩa, sinh viên năm 2 Trường ĐH KHTN một nạn nhân của trò nạp tiền điện thoại, cho biết: "Một lần đọc được thông tin tuyển dụng trên mạng cần tuyển nhân viên nạp tiền điện thoại với mức lương khá hấp dẫn, thời gian làm việc vào buổi tối cũng thuận tiện nên mình đã liên hệ phỏng vấn. Bữa phỏng vấn đầu tiên thì họ chỉ nói về cách nạp tiền cho khách và bảo mình đóng 100 ngàn tiền để kích hoạt sim đa năng. Qua hôm sau thì họ nói mình phải mở rộng mạng lưới thành viên, bằng cách tuyển thêm 5-8 người đến đăng kí xin việc. Trong một tháng phải tuyển được 30 người, tính cả mình nữa là 31 người mới đạt yêu cầu. Công việc mình làm là phỏng vấn lại những người đến xin việc giống như mình đã được phỏng vấn. Cả 3 giờ làm việc trên công ty chủ yếu là mở rộng mạng lưới thành viên".
Trong vai một sinh viên cần tìm việc làm thêm, chúng tôi liên hệ với Loan, người đăng tin tuyển dụng hàng chục nhân viên làm việc bán thời gian, nạp card điện thoại qua số điện thoại 0908.203.xxx thì chị cho biết là đã nghỉ việc và không có nhu cầu tuyển dụng nữa.
Khi chúng tôi đề cập lý do vì sao thì Loan nói thẳng: "Mình cũng như các bạn sinh viên khác đều bị công ty lừa và còn mình thì đi lừa lại những sinh viên khác cho đủ thành viên. Thực tế, trò nạp card điện thoại là một loại hình biến tướng từ việc bán hàng đa cấp. Thay vì bắt mình mua hàng thì đằng này mình phải mua card điện thoại, còn chuyện tuyển nhân viên nạp card chỉ là trá hình. Đây cũng là lý do tại sao mỗi trang đăng tin tuyển người lại liên hệ với một người khác nhau và hầu như trang web rao vặt nào cũng có đăng thông tin này".
Trò xưa như trái đất nhưng nhiều sinh viên vẫn bị lừa
Tại trụ sở Công ty H.T. nằm trên đường Trần Hưng Đạo (phường Tân Lập, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) mỗi ngày thu hút hàng trăm sinh viên làng ĐH Thủ Đức (khu vực giáp ranh giữa quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh với thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) vào vòng xoáy bán hàng đa cấp dưới hình thức là các lớp học kỹ năng mềm.
Để thu hút các sinh viên tham gia, các thành viên tuyển dụng khi lên thuyết trình liên tục "nổ" về mô hình kinh doanh năng động, mức lương hấp dẫn, tiền triết khấu hoa hồng mỗi tháng hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng. Khi các sinh viên được mời, lôi kéo đến tham gia các buổi hội thảo luôn được thổi vào tai những lời nói "có cánh" và mức thu nhập cao ngất ngưởng đại loại như: "Chị này tên Hoa, sinh viên năm thứ hai của Trường ĐH KHXH & NV thu nhập mấy chục triệu một tháng. Anh Trung, sinh viên năm thứ nhất Trường ĐH CNTT, anh này giỏi lắm nha. Đại lý ba sao thu nhập 60 - 70 triệu một tháng liền đó", để dẫn dụ sinh viên.
Mỗi lần có các anh (chị) được mời lên thuyết trình thì có một đội ngũ khách mời là các "chuyên gia, doanh nhân trẻ" được thuê sẵn để vỗ tay, tán đồng ủng hộ để đánh lừa các sinh viên đang tìm việc làm thêm với mộng tưởng thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng, một thành viên của mạng lưới bán hàng đa cấp này sau 5 tháng làm việc không công chia sẻ.
Cầm trên tay chiếc đồng hồ với giá 1,8 triệu đồng (giá thị trường khoảng 300 - 500 ngàn đồng) khi bỏ tiền ra mua để được làm thành viên của công ty để có thể kiếm tiền tự lập, Huy (sinh viên năm nhất, Trường ĐH Bách Khoa) xem đó như là học phí giúp mình trưởng thành hơn đối với những cạm bẫy việc làm.


"Nhìn bộ vest sang trọng các bạn mặc trên người em rất ngưỡng mộ, qua đứa bạn giới thiệu em cũng đi theo đến công ty để tìm hiểu. Sau khi được giới thiệu về mô hình làm việc, mức thu nhập hấp dẫn nên đã đăng kí tham gia. Công việc của em là thuyết phục mọi người mua hàng của công ty và rủ thêm các bạn khác vào làm thành viên của mạng lưới này. Lớp em có rất nhiều bạn bỏ tiền ra mua sản phẩm ký hợp đồng để trở thành người làm thuê không công cho họ. Rồi suốt ngày cứ nghĩ cách làm sao "dụ" được các bạn khác để lấy lại số tiền đã bỏ ra mua sản phẩm. Nhưng cuối cùng chẳng những không lấy lại được tiền mà còn mất cả lòng tin với mọi người, không tập trung vào việc học tập", Huy nói.
Nhìn những bộ vest sang trọng của các sinh viên khoác trên mình khi nhìn vào dễ nhầm tưởng họ là những doanh nhân trẻ thành đạt nhưng đằng sau đó là những câu chuyện cười ra nước mắt của những sinh viên khi đã trót dính vào "bẫy" bán hàng đa cấp. Thu nhập hàng chục triệu đồng nhưng mỗi ngày phải đi lại bằng chiếc xe máy cà tàng, chi tiêu tằn tiện từ số tiền sinh hoạt gia đình gửi lên hàng tháng để bù lỗ vào số tiền đã bỏ ra mua sản phẩm.
Còn công việc thì giá sản phẩm do công ty đưa ra luôn cao hơn rất nhiều so với giá ngoài thị trường nên hầu như các sản phẩm đều rất khó bán, mà chỉ có việc đi thuyết phục những sinh viên mới tham gia vào vòng xoáy bán hàng đa cấp mà mình đã trót tham gia, bỏ công sức, tiền bạc làm việc không công để gỡ gạc lại số tiền đã lỡ bỏ ra mua sản phẩm để tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp.
CAND
Subscribe to RSS Feed Follow me on Twitter!