Thứ Năm, 3 tháng 9, 2015

Ngày 14/6, chị Kim Nga (SN 1988, ngụ quận Thủ Đức, TP. HCM) đã chia sẻ việc cô gái tên T.Đ (SN 1992, ngụ Bình Dương) lừa tiền gia đình chị suốt 2 năm qua. Trong bài viết này, chị Nga đề cập đến việc rất nhiều người khác cũng là nạn nhân của Đ., với hàng loạt thủ đoạn và cách thức gần giống nhau.

Theo những gì trên facebook chị Nga chia sẻ, vào khoảng 2 năm trước, em trai của chị là Mạnh Hòa (SN 1991) góp vốn với cô gái xinh đẹp T.Đ để lấy Iphone từ nước ngoài về bán. T.Đ yêu cầu Hòa đưa 60 triệu để đặt mua Iphone. Nhưng sau một tháng, T.Đ cho biết nguồn hàng bị kẹt lại nên không thể đem về nước bán. Gia đình chị Nga tin tưởng nên tiếp tục chờ đợi. Ít lâu sau đó, T.Đ lại gọi điện cho chị cả của Nga là chị Diệu Hiền (SN 1985) để nói rằng có người bác bên Mỹ sắp về nên bảo chị Hiền gửi tiền để mua Ipad, mỹ phẩm... kinh doanh online. Vì gia đình chị Nga đều biết nhà của T.Đ nên không nghĩ cô gái này dám lừa mọi người trong nhà mình, chị của Nga chuyển khoản cho T.Đ 36 triệu đồng.

Nhận được tiền, cô gái này liên tục khất hẹn, nêu lý do hàng chưa về được và chỉ trả lại 10 triệu cho gia đình chị Nga vào ngày 2/7/2013. Mẹ của T.Đ là bà M.L. hứa sẽ trả dần số tiền con gái còn nợ nhưng đến nay vẫn chưa trả hết.

Trong khoảng 2 năm đó, chị Nga nhận thấy trên facebook bắt đầu chia sẻ những câu chuyện về hành vi lừa đảo của T.Đ, nhiều người cho biết mình đã là nạn nhân của cô hot girl xinh đẹp này nhưng có người ngậm ngùi bỏ qua vì chỉ mất số tiền vài trăm, nhưng cũng có người mất hàng chục triệu, dù cố gắng thúc giục đến mấy, cô gái T.Đ vẫn cố "ngâm"số tiền nợ rất lâu.


Facebook này đã đăng hàng loạt bài viết của các nạn nhân khác đã bị cô gái T.Đ lừa tiền.

Chúng tôi đã liên hệ với nhiều nạn nhân thì được biết cách thức thường thấy của T.Đ đó là sau khi đăng những hình ảnh túi xách, giày dép hàng hiệu lên facebook, có khách đặt mua, T.Đ sẽ bảo đem đến gửi tiền mặt trực tiếp, hoặc chuyển vào một số tài khoản nào đó không phải do cô đứng tên và hứa sẽ trả hàng trong thời gian sớm nhất. Nhưng đến 2, 3 tháng sau, cô gái này vẫn liên lạc với các nạn nhân và kêu than rằng hàng hóa lại bị... kẹt, không thể về được.

Mọi người bắt đầu sốt ruột, một vài người nghi ngờ mình bị lừa nên đã đăng bài viết cảnh cáo lên facebook cá nhân, ngay lập tức T.Đ xoay xở đủ số tiền nợ để trả cho người này và đề nghị gỡ bài viết xuống để cô... tiếp tục bán hàng.

Qua một số tin nhắn các nạn nhân cung cấp, vào năm 2013, T.Đ có nhắn với một khách hàng: "Em đi Đà Lạt điều trị ung thư máu, chị biết không? Chị chỉ thấy hình nhưng thực chất không biết em làm gì. Em bị bệnh, và em phải đặc trị. Đừng nhìn cuộc sống qua facebook mà phán xét em. Em muốn trả chị nên rất đàng hoàng nhưng gia đình chị đối xử với em tệ quá".

Sáng 18/6, chúng tôi đã gặp chị Nga và anh V.M.H. - nạn nhân của T.Đ từ tháng 2/2015. Về phần chị Nga, chị cung cấp những biên bản hòa giải cũng như đơn khởi kiện cô gái T.Đ. đã được ký tên tại UBND phường An Bình.


Đây là biên bản làm việc về số tiền mà T.Đ yêu cầu Mạnh Hòa (em trai chị Nga) góp vốn để mua Iphone làm ăn nhưng rồi không trả, cũng không mua được hàng.
Chị Nga cho biết, gia đình chỉ trả số tiền 10 triệu đợt đầu, những đợt sau theo thỏa thuận, họ phải trả 4 triệu nhưng họ chỉ trả 2 triệu nên gia đình không lấy. 

Còn về phần anh V.M.H, anh cho biết: "Tôi bị lừa mất trắng số tiền từ vài tháng nay, nhưng cũng không có bằng chứng gì để tố cáo vì tôi chỉ giao tiền mặt hoặc nếu chuyển khoản thì T.Đ cung cấp số tài khoản của người khác. Tôi không muốn lên tiếng nhưng thời gian gần đây thấy nhiều người cũng bị như mình, tôi hiểu rằng đây là việc nghiêm trọng, nếu không dừng lại, sẽ còn nhiều nạn nhân khác nữa".

Theo anh H., khoảng thời gian trước Tết, anh có đặt mua một chiếc đồng hồ giá 11 triệu đồng và đã đến một căn nhà ở đường Trần Phú, Quận 5 để giao 8 triệu tiền cọc cho T.Đ. Vài ngày sau, T.Đ liên tục nhắn tin nói cần tiền gấp và hỏi mượn anh H. Do anh H. cũng đã từng đi cafe với T.Đ nên tin tưởng và cho mượn tiền, lúc 1 triệu, lúc 2 triệu.

"Tôi thấy mình xem như đã chuyển đủ 11 triệu tiền đồng hồ nên cũng không nghĩ gì, chỉ việc đợi hàng về thôi. Nhưng một tháng sau, T.Đ nói rằng hàng đang bị kẹt ở Mỹ, chưa về được. Tôi đã sinh nghi nhưng không nghĩ cô gái này dám lừa mình. Hàng chưa về, một thời gian sau, T.Đ lại gọi cho tôi với giọng sốt sắng, bảo tôi rằng sắp có một chú xe ôm đưa 4 triệu cho tôi, nhờ tôi chuyển khoản giùm T.Đ. Nhưng đợi mãi không thấy ông xe ôm ấy đâu, T.Đ thì cứ giục nên tôi tự lấy tiền túi mình ra chuyển cho cô ấy 4 triệu. 3 tiếng sau, bác xe ôm đến và đưa tôi... 2 triệu", anh H. kể về những lần mất tiền của mình.

Trước đó, khi liên lạc với T.Đ qua điện thoại vào tối ngày 17/6, cô gái trẻ khẳng định mình không lừa đảo mà chỉ đang trả dần tiền cho từng khách hàng. "Những ngày qua, mình rất khủng hoảng, chỉ muốn chết thôi, mọi người tạo áp lực lên mình rất nhiều, một số người còn gọi điện thoại đe dọa.  Bạn nghĩ đi, mình đặt hàng, cũng phải trả tiền hàng, mà hàng thì kẹt lại, tiền nợ khách mình và gia đình phải tự xoay xở để trả cho từng người. Nếu mình là người lừa đảo, mình đóng facebook và trốn luôn rồi, chứ đâu có tìm cách trả tiền cho từng người như vậy", T.Đ cho biết.

Cũng theo cô gái này, cô và mẹ đã lên phường làm việc. "Họ hẹn đóng dấu và chú công an ký tên xác nhận là gia đình mình không lừa đảo. Nếu bạn muốn, có thể đến gặp chú công an đó với mình".

Chiều 18/6, chúng tôi tìm đến nhà của T.Đ (khu phố Bình Đường 1, phường An Bình, thị xã Dĩ An, Bình Dương), tiếp xúc với chúng tôi ngoài cổng, bà Nguyễn Thị M.L. (mẹ T.Đ.) cho biết: "Họ vu cáo và lăng mạ con tôi trên Facebook, không cho con tôi làm ăn gì được. Về việc có người tố con tôi lừa đảo đó, gia đình đã đem vụ việc giao hết cho công an phường xử lý. Theo như biên bản hòa giải, hàng tháng gia đình tôi đều lên phường để trả lại số tiền còn thiếu nhưng bên đó không đến nhận".

Bà L. còn cho hay, sáng ngày 18/6 bà đã lên làm việc với Công an phường An Bình về vụ việc này. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi vào chiều cùng ngày, đại diện Công an phường cho biết từ trước đến nay không hề biết và chưa từng tiếp nhận vụ việc của gia đình bà L.

Còn biên bản hòa giải của bên bà L. và bên chị Nga vào ngày 2/8/2013 có sự góp mặt của đại diện UBND phường An Bình. Trao đổi với chúng tôi về vụ việc này, ông Nguyễn Ngọc Ẩn - Chủ tịch UBND phường An Bình khẳng định: "Phường đã từng đứng ra hòa giải cho các bên tranh chấp vào thời gian trên. Trong bản hòa giải bên bà L. cũng đã đồng ý trao trả lại số tiền còn nợ. Trách nhiệm của phường vào năm 2013 là đứng ra hòa giải cho 2 bên dễ thỏa thuận với nhau hơn, nhưng theo quy định mới từ 2014 thì phường không có chức năng hòa giải nữa mà chuyển xuống cấp khu phố".

Như vậy có thể thấy, ngoài gia đình chị Nga có đầy đủ chứng cứ cũng như biên bản hòa giải từ UBND phường, thì các nạn nhân khác hầu như không có bằng chứng nào ngoài những tin nhắn trao đổi qua lại giữa T.Đ và họ.

"Chúng tôi đã nghĩ đến việc mỗi cá nhân bị lừa tiền sẽ viết đơn khởi kiện, tố cáo và gửi cùng lúc đến các cơ quan chức năng. Dù không có bằng chứng nhưng chúng tôi là những nhân chứng sống ở đây, không hề nói sai nửa lời. Hy vọng sau khi gửi đơn kiện hàng loạt, công an điều tra sẽ vào cuộc để làm rõ vụ việc này"
, một nạn nhân cho biết.

Có thể thấy, nếu hành vi của cô gái T.Đ đúng như những lời tố cáo của các nạn nhân thì đây có thể xem là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, do chứng cứ của những nạn nhân liên quan đến các giao dịch này chưa được rõ ràng, không có bằng chứng cụ thể để kết luận cho hành vi lừa đảo của T.Đ
Chính vì thế, với một loạt các nạn nhân bị lừa như thế này, thiết nghĩ, các nạn nhân nên cùng làm đơn tố cáo hành vi của đối tượng trên lên cơ quan công an. Có thể với số lượng nạn nhân nhiều như vậy, cơ quan công an sẽ xem xét và tiến hành điều tra vụ việc.
Luật sư Nguyễn Thạch Thảo - Đoàn Luật sư TP.HCM
                                                                                             Theo
 Quỳnh Trân - Tứ Quý / Trí Thức Trẻ

Học bổng là thứ mà mọi du học sinh đều mong muốn giành được trước ngưỡng cửa du học. Tuy vậy, không phải học bổng nào cũng tốt đẹp như những gì bạn được nghe nói.

Tìm kiếm học bổng có lẽ là cụm từ mà ta hay được nghe tới nhất khi nói tới du học. Học bổng là một phương án hữu hiệu và phổ biến nhất để tiết kiệm chi phí cho những chuyến đi du học đắt đỏ. Nếu có học lực giỏi, khả năng PR bản thân tốt và là một “thợ săn” học bổng lành nghề, bạn hoàn toàn có thể tìm được cho mình những cơ hội học bổng lớn lên tới 50 - 75%, thậm chí cả 100%. 
Hàng năm nhiều tổ chức quốc tế, các trường đại học, các tổ chức từ thiện và các cơ quan tài trợ khác cung cấp các nguồn hỗ trợ tài chính cho những sinh viên, học sinh xuất sắc nhưng không có đủ điều kiện về tài chính. Điều này mở rộng cơ hội tiếp cận học bổng cho sinh viên nhưng đồng thời cũng tăng thêm những nguy cơ, hiểm họa không đáng có. 
Cụ thể, tại Mỹ, đã có những báo cáo về những kẻ lừa đảo tạo ra các trang web như là nhà cung cấp học bổng. Mỗi năm khoảng 1 triệu USD bị mất do những người bị những trang web này lừa. Tờ US News & World Report cảnh báo sinh viên quốc tế khi nộp đơn xin học bổng tại Mỹ không bao giờ đồng ý các yêu cầu trả tiền cho việc đăng ký hay tìm kiếm những thông tin học bổng.
10601-d6f24
Học bổng là một trong những cách thức đơn giản nhất để tiết kiệm chi phí du học.
Vậy, làm thế nào để lường trước những nguy cơ và tránh xa những chiêu trò lừa đảo đang ngày càng trở nên phổ biến? Hãy cùng nhận biết những dấu hiệu sau bạn nhé!
Bạn phải trả phí?
Một điều có thể khẳng định chắc chắn rằng: “Không có bất kỳ một tổ chức quốc tế, trường đại học, nhà cung cấp học bổng nào thu phí từ sinh viên đăng ký xét học bổng”. Nếu bạn bắt gặp những cụm từ như 'chi phí', 'mua', 'mua lại', 'phí' và 'thanh toán' trong điều kiện đăng ký học bổng hay tìm hiểu các thông tin chi tiết, bạn hãy cảnh giác vì đây rất có thể là những chiêu trò lừa đảo từ các tổ chức không chính quy. Những kẻ lừa đảo này chủ yếu đánh vào tâm lý mong chờ và “khát” học bổng của các bạn sinh viên. 
10602-d6f24
Đừng để bản thân rơi vào hoàn cảnh “tiền mất tật mang”!
Bạn có thể nghĩ đơn giản rằng một khoản thu nho nhỏ nhưng đổi lấy một phần học bổng lớn giúp tiết kiệm chi phí là hoàn toàn chấp nhận được. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều sinh viên sau khi nộp tiền vào những tài khoản được yêu cầu đã phải nếm trải cái kết “tiền mất tật mang” khi học bổng mãi không thấy đâu và thời gian apply vào trường cũng bị lỡ dở. Ngoài ra, bạn cũng đừng bao giờ tin vào những email thông báo nhận được học bổng nhưng bạn phải trả một khoản đặt cọc hay một khoản tiền nhất định trước khi nhận học bổng.
Bạn được yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân không hợp lý?
Đối với nhiều sinh viên quốc tế, một vấn đề rất phổ biến khi bạn tìm kiếm học bổng đó là bạn thường được yêu cầu các thông tin cá nhân như những yêu cầu bắt buộc để sử dụng các ứng dụng của trang web. Tuy nhiên thông tin nào “nên” và thông tin nào “không nên” cung cấp?
10603-d6f24
Những thông tin tưởng chừng đơn giản khi vào tay những kẻ xấu lại có thể gây ra những hậu quả tồi tệ.
Tờ US News & World Report đưa ra cảnh báo khẳng định: “Nếu một công cụ tìm kiếm học bổng yêu cầu bạn cung cấp thông tin thẻ tín dụng hoặc thông tin tài chính khác trước khi bạn có thể sử dụng nó thì đừng bao giờ làm theo”. Những yêu cầu thông tin cá nhân bất hợp lý phổ biến có thể kể đến như: chi tiết thẻ ngân hàng, hộ chiếu, thẻ tín dụng hoặc số PIN thẻ ngân hàng,... Bạn có thể không lường trước được nhưng những thông tin này lại hoàn toàn có thể trở thành những trợ thủ đắc lực giúp kẻ xấu xâm nhập vào thông tin tài chính của bạn, thậm chí rút và chuyển tiền từ chính tài khoản cá nhân của bạn.
Bạn bị kích động bởi những lời mời không tưởng?
Những kẻ lừa đảo thường gửi mail cho bạn có đi kèm với những logo của chính phủ, các ngân hàng hay các tổ chức giáo dục. Vì thế ngay khi bạn nhìn thấy những logo như vậy hãy vào các trang chủ của những tổ chức này hay liên hệ trực tiếp với các tổ chức tài trợ có trên logo để xác minh thông tin. Bạn nên kiểm tra các thông tin cụ thể như chi tiết học bổng và ngày hết hạn. Nếu một tổ chức cung cấp học bổng hợp pháp sẽ cung cấp rất đầy đủ các thông tin cho bạn. Đừng quá mơ mộng vào những cơ hội không tưởng mà bị lừa bởi những kẻ hoàn toàn không mang danh “chính phủ”, “trường đại học danh tiếng” như trong lời mời chào!
Bạn là người may mắn duy nhất?
Trường hợp này cũng tương tự như khi bạn nhận được các mẫu quảng cáo “Bạn là khách hàng thứ 100 may mắn nhận được phần quà”. Những nhà cung cấp học bổng hợp pháp luôn cung cấp các chương trình học bổng rộng rãi để tất cả các sinh viên có được cơ hội như nhau. Vì vậy, cái gọi là cơ hội duy nhất chỉ dành cho bạn gần như là điều không tưởng, trừ phi bạn là một sinh viên vô cùng xuất sắc và vô cùng nổi tiếng. 
Những ngôn từ “kích động” này là một chiêu trò marketing phổ biến đánh vào tâm lý của người đọc. Khi nhận được những email như vậy, phần lớn người đọc chỉ chú tâm vào nội dung và gần như bị thuyết phục hoàn toàn vì “những khả năng bạn không có” hay “những may mắn không tưởng” mà quên cảnh giác rằng có thể có hàng ngàn, hàng vạn người cũng nhận được những email tương tự như vậy. Những email này sẽ dẫn bạn theo một đường link đăng ký và phần lớn đều kết thúc ở việc bạn nộp một số tiền lớn gọi là lệ phí học bổng. Một điều tất nhiên rằng bạn sẽ hoàn toàn chẳng có cơ hội chờ được phần học bổng may mắn này vì thực tế, nó chưa bao giờ tồn tại.
10604-d6f24
Một điều chắc chắn rằng bạn không phải là người “may mắn” duy nhất.
Ngày nay, khi ngày càng có nhiều các bạn học sinh muốn tham gia học tập tại nước ngoài trong khi mức chi phí cho việc du học ngày càng tăng thì các chiêu lừa bịp, gian lận cũng tăng lên. Điều này xuất phát chủ yếu từ những rủi ro thông tin khi tìm kiếm chương trình và học bổng thông qua mạng Internet. Bạn thường được yêu cầu cung cấp một số thông tin chung hay chi tiết đăng ký, tài khoản cá nhân... khi tham gia vào các website trên mạng, đây chính là điểm mà rất nhiều kẻ xấu muốn lợi dụng để đánh cắp các thông tin hoặc thậm chí là tiền bạc. 
Điều bạn nên làm là tìm hiểu các nguồn tin chính thống và có sự cảnh giác trước những email mời chào học bổng. Hãy "Vào website trường" hoặc "Yêu cầu thông tin" từ nhà trường để kiểm tra lại chi tiết học bổng, hạn nộp, yêu cầu và các cơ hội học bổng khác phù hợp. Nhớ rằng, luôn phải cảnh giác bạn nhé!
Theo Trí Thức Trẻ
Subscribe to RSS Feed Follow me on Twitter!