Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

Thời gian qua, trên mạng internet xuất hiện tình trạng một số đối tượng dùng thủ đoạn để trộm mật khẩu nick chat hoặc mật khẩu hộp thư điện tử, sau đó lên mạng, giả danh làm người có nick chat hoặc hộp thư rồi vào list, chat với tất cả bạn bè, người thân của họ và bắt đầu thực hiện màn kịch lừa đảo.
Cảnh giác với trường hợp dùng nick của người khác để lừa đảo
Trường hợp của anh Nguyễn Văn H., trú ở Minh Khai, Hà Nội là một điển hình. Anh là giảng viên của một trường đại học danh tiếng ở Hà Nội. Điều anh H. không bao giờ có thể ngờ tới là mình bị chính cô học sinh của mình lừa đảo chiếm đoạt hơn 600 triệu đồng và 1 chiếc xe SH.
Để tìm hiểu vì sao anh H. lại dễ dàng bị đối tượng lừa đảo với số tiền lớn như vậy, chúng tôi đã gặp trực tiếp anh H. để hỏi rõ ngọn ngành. Theo lời kể của anh H thì sở dĩ anh bị sinh viên của mình là Nguyễn Thu Hương, 23 tuổi, trú ở phường Đồng Tâm lừa đảo vì qua mạng facebook anh có quen với bạn gái tên là Linh, thi thoảng chat với nhau.
Lúc đó, hai người chưa có tình cảm gì, cũng chưa biết mặt nhau. Do quen biết với Linh nên Hương đã "mượn" mật khẩu nick chat "thuytiennhoban" của Linh, sau đó thay password rồi đóng giả Linh để nói chuyện với anh H. Vì là sinh viên của anh H nên Hương biết rõ ngọn ngành về thầy giáo mình và lập mưu lừa đảo. Theo lời giới thiệu của Linh (tức Hương) thì mình là con gái nhà "danh gia vọng tộc", có cụ là lãnh đạo cấp Tướng, ông làm tới Thứ trưởng, bố mẹ, cậu… đều làm ở Bộ Ngoại giao…
Tưởng gặp được một cô gái tử tế nên anh H. cũng không ngại ngần kể về thân thế và bản thân mình. Chính vì vậy, mỗi khi muốn "moi" tiền, Hương đều nại ra những lý do hết sức hợp lý như việc mình đang mở phòng tranh ở Singapore nhưng không muốn xin tiền bố mẹ vì muốn chứng tỏ khả năng của bản thân, "nhờ" anh H. gửi tiền.
Sau đó, "Linh" bịa ra việc mẹ, cụ và những người thân trong gia đình mình sinh nhật, cần phải tặng những món quà có giá trị để chứng tỏ là người con có hiếu khiến anh H. phải móc hầu bao mua quà gửi cho "Linh". Sau khi "cá đã cắn câu", "Linh" lại nói rằng vì gia đình mình "danh gia vọng tộc" nên khi biết "Linh" yêu thầy giáo, sợ con mình sau này khổ vì lương giáo viên ít ỏi nên gia đình cấm đoán, cắt mọi viện trợ, thu máy tính xách tay để gây sức ép, bắt "Linh" phải chia tay thầy giáo hoặc phải tự túc học hành.
Tưởng "Linh" bị gia đình bỏ rơi thật nên anh H. đã gửi tiền cho "Linh" để cô tiếp tục học hành. Không chỉ thế, trong vai "Linh", Hương còn cho rằng mình mới bị bạn trai bỏ rơi nên không tin tưởng đàn ông. Chính vì vậy, ngoài việc trao đổi qua điện thoại, chat và qua facebook, anh H. không bao giờ được gặp "Linh" ngoài đời. Khi anh H. tỏ ý nghi ngờ, "Linh" lại lu loa lên rằng anh không tin tưởng cô ta, anh H. giống người yêu cũ của cô ta và dọa cắt đứt quan hệ.
Điều này đã khiến anh H. "ngại" không muốn truy tiếp những nghi ngờ của mình. Anh H. cho biết thêm, sau khi bị Linh nhiều lần "mượn" tiền, anh đã nghi ngờ có việc mạo danh nên thử bằng cách gửi địa chỉ gmail và password của mình cho "Linh", nhờ tải hộ một số dữ liệu trong gmail mà anh không tải được.
Sau khi "Linh" thực hiện động tác trên, anh H. đã kiểm tra thông tin trong gmail của mình và phát hiện người vừa tải dữ liệu đang ở Việt Nam chứ không phải ở Pháp như "Linh" vẫn nói. Chính vì vậy, anh đã báo cáo với cơ quan công an và thực sự bất ngờ khi người lâu nay vẫn nói chuyện yêu đương, xây dựng hạnh phúc lâu dài với anh chính là cô sinh viên mà anh vẫn gặp hàng ngày.
Từ vụ án trên cho thấy, việc đối tượng phạm tội lợi dụng thư điện tử, nick chat, tài khoản trên facebook…của bị hại để thực hiện hành vi phạm tội khá dễ dàng. Có những trường hợp, đối tượng dùng nick chat của người khác để thực hiện hành vi cướp tài sản.
Điển hình là vụ đối tượng Nguyễn Hữu Việt, 20 tuổi và Bùi Quang Hiệp, 27 tuổi, đều ở huyện Đông Anh, Hà Nội đã lợi dụng nick chat của bạn gái tên là Phương lên mạng lừa tình. Qua chat, chúng gặp được anh Nguyễn Thế Hùng và rủ anh Hùng đi chơi. Tưởng thật, anh Hùng đến địa điểm "Phương" đã hẹn thì bị Việt và Hiệp bóp cổ rồi cướp chiếc xe máy, mang về huyện Đông Anh đặt lấy tiền tiêu xài.
Đặc biệt, việc một số đối tượng dùng thủ đoạn để ăn cắp mật khẩu sau đó vào mail, chat của bị hại để lừa tiền bạn của bị hại rất phổ biến. Nhất là trường hợp lừa đảo cào sim điện thoại, thẻ chơi games. Vì số tiền lừa đảo dạng này thường không nhiều, chỉ từ vài trăm đến vài triệu đồng nên các bị hại thường không trình báo với cơ quan Công an.
Điển hình như trường hợp của chị Nguyễn Hoài Vân ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Buổi sáng, vừa thấy chị đến cơ quan, một đồng nghiệp hết sức ngạc nhiên vì tối qua chat với chị, chị nói là đang ở tận Nghệ An, bị hết tiền điện thoại nhờ cào thẻ 300.000đ. Nghe nói thế, đến lượt chị Vân ngạc nhiên vì tối hôm qua chị không hề chat, cũng không nhờ cào thẻ điện thoại. Như vậy, đã có kẻ mạo danh chị để thực hiện việc lừa đảo. Chị Vân cũng không thể vào nick chat của mình nữa vì password đã bị thay đổi.
Những biện pháp cần phòng ngừa tránh bị thiệt hại
Được biết, nguyên nhân của việc đối tượng xấu ăn cắp  password email, nick chat, lấy trộm thông tin, tài liệu để thực hiện các hành vi phạm tội như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mạo danh bôi nhọ người khác là do chính bị hại  đặt mật khẩu của mình không chặt chẽ, thường lấy tên, họ hoặc tên người thân hoặc ngày tháng năm sinh của mình đặt mật khẩu nên dễ bị đối tượng dò được.
Một thủ đoạn khác của các đối tượng lừa đảo là thường gửi đính kèm vào các trang web đen đường dẫn có chứa virus bẻ khóa lấy dữ liệu, password, ghi lại ký tự của bàn phím… của khách hàng. Điển hình mới đây, nhiều khách hàng ngỡ tưởng sau khi truy nhập vào trang web do đối tượng gửi đến sẽ download được những hình ảnh đẹp.
 Thế nhưng, sau khi làm theo sự hướng dẫn trên trang web này, các khách hàng đã bị mất hết password nick chat, email  của mình. Bên cạnh đó còn có hình thức lừa đảo thông  qua bán hàng trên mạng. Thậm chí còn có hình thức giả danh một trang web của ngân hàng để yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin để lừa đảo.
Trung tá Ngô Minh An, Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an TP Hà Nội cho biết, đơn vị đã tiếp nhận nhiều đơn trình báo của các bị hại, trong đó có bị hại bị lừa từ người đang ở nước ngoài.
Được biết, Công an Hà Nội đã điều tra, xử lý nhiều trường hợp lợi dụng nick chat của người khác để thực hiện hành vi phạm tội như trường hợp Trần Đức Thiện, sinh viên Đại học FPT dùng tên và tài khoản của anh Nguyễn Chương Đỉnh, trú tại TP HCM để đăng tin trên trang web handheld.com.vn, lừa đảo 1 máy tính xách tay trị giá 23 triệu đồng…
Chính vì vậy, khi đặt password cho các tài khoản điện tử, mọi người nên tránh dùng những password là ngày sinh, tên người thân, cơ quan làm việc…Bên cạnh đó, người sử dụng nên ghi nhớ câu hỏi bí mật để khôi phục tài khoản nếu không may bị đối tượng xấu lấy được.
Khi sử dụng máy tính công cộng, mọi người không nên đồng ý để máy tính lưu lại mật khẩu và cần thoát ra ngay sau khi sử dụng. Đối với người quen, sau khi cho mật khẩu cũng cần kiểm soát việc giao dịch trên tài khoản của mình. Có như vậy, mới tránh được tình trạng bị đối tượng xấu lợi dụng tài khoản điện tử để thực hiện các hành vi phạm tội.
Nguồn: Internet

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Subscribe to RSS Feed Follow me on Twitter!