Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2015

Giá sản phẩm do công ty đưa ra luôn cao hơn rất nhiều so với giá ngoài thị trường nên hầu như các sản phẩm đều rất khó bán, các sinh viên trót sa chân vào doanh nghiệp bán hàng đa cấp chỉ có việc đi thuyết phục những sinh viên mới tham gia vào vòng xoáy bán hàng đa cấp mà mình đã trót tham gia.
Được làm việc trong môi trường năng động, học hỏi được nhiều kinh nghiệm, bên cạnh đó công ty thường xuyên tổ chức các lớp rèn luyện kỹ năng cho nhân viên. Mức thu nhập hấp dẫn hàng chục triệu đồng mỗi tháng, cùng những lời quảng cáo "có cánh" từ các nhà tuyển dụng "ma" đã khiến nhiều sinh viên bị sập bẫy vào các mạng lưới bán hàng đa cấp.
Biến tướng từ bán hàng đa cấp
Trên các trang web raovat, vatgia… liên tục đăng các thông tin tuyển hàng trăm nhân viên nạp tiền điện thoại, với mức 1,8 triệu đồng/tháng. Thời gian làm việc khoảng 3 giờ đồng hồ vào buổi tối tại công ty. Ưu tiên cho các ứng viên có người giới thiệu và được hẹn trước để phỏng vấn.
Những điều kiện từ các nhà tuyển dụng "ma" đưa ra khá phù hợp với điều kiện của sinh viên làm hàng trăm sinh viên bị lừa khi đi xin việc làm. Theo tìm hiểu, các thông tin tuyển dụng đều xuất phát từ các thành viên thuộc mạng lưới tuyển dụng nhân viên nạp card của Công ty K.M. (có trụ sở nằm trên đường Bạch Đằng, quận Tân Bình). Để được nhận vào làm sinh viên chỉ cần đóng 100 ngàn tiền học phí học việc trong 4 ngày, trong đó bao gồm tiền mua sim kích hoạt dùng để nạp tiền điện thoại. Qua khóa đào tạo "cấp tốc", sinh viên sẽ được chính thức nhận vào làm.
Để nhận được 1,8 triệu đồng tiền lương, sinh viên phải tuyển được 30 thành viên mới và mỗi thành viên trong mạng lưới phải nạp được 1 triệu tiền card điện thoại cho khách hàng. Nếu 1 trong số 30 thành viên do mình quản lý nghỉ việc thì hoặc không đủ hoặc không đạt yêu cầu. Thực tế, đây cũng là một trò lừa đảo việc làm, thu phí dưới hình thức sinh viên đóng tiền mua sim đa năng và làm không công cho các nhà tuyển dụng "ma".
Kết quả hình ảnh cho lừa đảo bán hàng đa cấp
Nguyễn Trọng Nghĩa, sinh viên năm 2 Trường ĐH KHTN một nạn nhân của trò nạp tiền điện thoại, cho biết: "Một lần đọc được thông tin tuyển dụng trên mạng cần tuyển nhân viên nạp tiền điện thoại với mức lương khá hấp dẫn, thời gian làm việc vào buổi tối cũng thuận tiện nên mình đã liên hệ phỏng vấn. Bữa phỏng vấn đầu tiên thì họ chỉ nói về cách nạp tiền cho khách và bảo mình đóng 100 ngàn tiền để kích hoạt sim đa năng. Qua hôm sau thì họ nói mình phải mở rộng mạng lưới thành viên, bằng cách tuyển thêm 5-8 người đến đăng kí xin việc. Trong một tháng phải tuyển được 30 người, tính cả mình nữa là 31 người mới đạt yêu cầu. Công việc mình làm là phỏng vấn lại những người đến xin việc giống như mình đã được phỏng vấn. Cả 3 giờ làm việc trên công ty chủ yếu là mở rộng mạng lưới thành viên".
Trong vai một sinh viên cần tìm việc làm thêm, chúng tôi liên hệ với Loan, người đăng tin tuyển dụng hàng chục nhân viên làm việc bán thời gian, nạp card điện thoại qua số điện thoại 0908.203.xxx thì chị cho biết là đã nghỉ việc và không có nhu cầu tuyển dụng nữa.
Khi chúng tôi đề cập lý do vì sao thì Loan nói thẳng: "Mình cũng như các bạn sinh viên khác đều bị công ty lừa và còn mình thì đi lừa lại những sinh viên khác cho đủ thành viên. Thực tế, trò nạp card điện thoại là một loại hình biến tướng từ việc bán hàng đa cấp. Thay vì bắt mình mua hàng thì đằng này mình phải mua card điện thoại, còn chuyện tuyển nhân viên nạp card chỉ là trá hình. Đây cũng là lý do tại sao mỗi trang đăng tin tuyển người lại liên hệ với một người khác nhau và hầu như trang web rao vặt nào cũng có đăng thông tin này".
Trò xưa như trái đất nhưng nhiều sinh viên vẫn bị lừa
Tại trụ sở Công ty H.T. nằm trên đường Trần Hưng Đạo (phường Tân Lập, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) mỗi ngày thu hút hàng trăm sinh viên làng ĐH Thủ Đức (khu vực giáp ranh giữa quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh với thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) vào vòng xoáy bán hàng đa cấp dưới hình thức là các lớp học kỹ năng mềm.
Để thu hút các sinh viên tham gia, các thành viên tuyển dụng khi lên thuyết trình liên tục "nổ" về mô hình kinh doanh năng động, mức lương hấp dẫn, tiền triết khấu hoa hồng mỗi tháng hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng. Khi các sinh viên được mời, lôi kéo đến tham gia các buổi hội thảo luôn được thổi vào tai những lời nói "có cánh" và mức thu nhập cao ngất ngưởng đại loại như: "Chị này tên Hoa, sinh viên năm thứ hai của Trường ĐH KHXH & NV thu nhập mấy chục triệu một tháng. Anh Trung, sinh viên năm thứ nhất Trường ĐH CNTT, anh này giỏi lắm nha. Đại lý ba sao thu nhập 60 - 70 triệu một tháng liền đó", để dẫn dụ sinh viên.
Mỗi lần có các anh (chị) được mời lên thuyết trình thì có một đội ngũ khách mời là các "chuyên gia, doanh nhân trẻ" được thuê sẵn để vỗ tay, tán đồng ủng hộ để đánh lừa các sinh viên đang tìm việc làm thêm với mộng tưởng thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng, một thành viên của mạng lưới bán hàng đa cấp này sau 5 tháng làm việc không công chia sẻ.
Cầm trên tay chiếc đồng hồ với giá 1,8 triệu đồng (giá thị trường khoảng 300 - 500 ngàn đồng) khi bỏ tiền ra mua để được làm thành viên của công ty để có thể kiếm tiền tự lập, Huy (sinh viên năm nhất, Trường ĐH Bách Khoa) xem đó như là học phí giúp mình trưởng thành hơn đối với những cạm bẫy việc làm.


"Nhìn bộ vest sang trọng các bạn mặc trên người em rất ngưỡng mộ, qua đứa bạn giới thiệu em cũng đi theo đến công ty để tìm hiểu. Sau khi được giới thiệu về mô hình làm việc, mức thu nhập hấp dẫn nên đã đăng kí tham gia. Công việc của em là thuyết phục mọi người mua hàng của công ty và rủ thêm các bạn khác vào làm thành viên của mạng lưới này. Lớp em có rất nhiều bạn bỏ tiền ra mua sản phẩm ký hợp đồng để trở thành người làm thuê không công cho họ. Rồi suốt ngày cứ nghĩ cách làm sao "dụ" được các bạn khác để lấy lại số tiền đã bỏ ra mua sản phẩm. Nhưng cuối cùng chẳng những không lấy lại được tiền mà còn mất cả lòng tin với mọi người, không tập trung vào việc học tập", Huy nói.
Nhìn những bộ vest sang trọng của các sinh viên khoác trên mình khi nhìn vào dễ nhầm tưởng họ là những doanh nhân trẻ thành đạt nhưng đằng sau đó là những câu chuyện cười ra nước mắt của những sinh viên khi đã trót dính vào "bẫy" bán hàng đa cấp. Thu nhập hàng chục triệu đồng nhưng mỗi ngày phải đi lại bằng chiếc xe máy cà tàng, chi tiêu tằn tiện từ số tiền sinh hoạt gia đình gửi lên hàng tháng để bù lỗ vào số tiền đã bỏ ra mua sản phẩm.
Còn công việc thì giá sản phẩm do công ty đưa ra luôn cao hơn rất nhiều so với giá ngoài thị trường nên hầu như các sản phẩm đều rất khó bán, mà chỉ có việc đi thuyết phục những sinh viên mới tham gia vào vòng xoáy bán hàng đa cấp mà mình đã trót tham gia, bỏ công sức, tiền bạc làm việc không công để gỡ gạc lại số tiền đã lỡ bỏ ra mua sản phẩm để tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp.
CAND

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Subscribe to RSS Feed Follow me on Twitter!